Luật Lao động
Tên nghiên cứu: Sửa đổi Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn: Vai trò của người sử dụng lao động trong việc cải cách hệ thống quan hệ lao động
Nghiên cứu viên: Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi (Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động)
Cơ quan tài trợ: Dự án Quan hệ Lao động ILO/Việt Nam
Thời gian nghiên cứu: Tháng 3/2010
Bản mềm
Tóm tắt nghiên cứu:
Tại Việt Nam, Luật Công đoàn năm 1990 và Bộ luật Lao động năm 1995 ra đời đánh dấu sự khởi đầu mang tính lịch sử của quá trình chuyển đổi quan hệ lao động (QHLĐ) “từ nhu cầu ra thị trường”. Tuy nhiên, khoảng hai thập kỷ sau đó, cả hai đạo luật này đều cho thấy tính không phù hợp với sự chuyển mình nhanh chóng của đất nước và QHLĐ, theo đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, vào năm 2010, chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng đã bắt tay vào việc sửa đổi luật. Báo cáo này là một trong hai tài liệu nghiên cứu thảo luận của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhằm đóng góp vào quá trình sửa đổi luật . Nghiên cứu đầu tiên tập trung vào các vấn đề công đoàn trong khi nghiên cứu này phân tích việc thực hiện các quy định liên quan đến QHLĐ trong luật từ góc độ người sử dụng lao động (NSDLĐ).
Cụ thể, trong báo cáo, tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi đã bao quát các đặc điểm của NSDLĐ tại Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia vào của NSDLĐ, ví dụ áp lực giảm chi phí sản xuất (trong đó có lương cho người lao động (NLĐ)) và tăng năng suất do biên lợi nhuận thấp; sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu; và tính phối hợp của NSDLĐ.
Báo cáo đề cập đến sáu khía cạnh cần được xem xét sửa đổi trong luật. Đó là việc thành lập công đoàn cơ sở, thương lượng tập thể, tư vấn về quản lý lao động, đình công và giải quyết đình công, tính đại diện cho NLĐ của công đoàn cấp trên trong các doanh nghiệp không có công đoàn, các tổ chức sử dụng lao động cùng vai trò tư vấn của công đoàn cấp trên. Báo cáo cũng khuyến nghị về việc sửa đổi luật và các thông lệ tốt có thể áp dụng độc lập với luật.