Đại dịch và khái niệm Phát triển bền vững mới?

On Tháng Năm 30, 2021
(Nhà máy may của Việt Nam vẫn hoạt động trong dịch – Courtesy: ERC, tháng 9/2020)

Việt Nam trong thời gian qua được ca ngợi là một trong những quốc gia ngăn chặn đại dịch COVID-19 thành công nhất trên thế giới3 với số ca nhiễm ở dưới 2000 ca và nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức 2.9% trong năm 2020. Nhưng bức tranh tươi sáng này vẫn còn thiếu hụt mảnh ghép về những khó khăn của hàng ngàn doanh nghiệp và hàng triệu người lao động (NLĐ). Ngành công nghiệp may mặc và da giày là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, và câu chuyện ở đây không phải là ngoại lệ nếu so sánh với các quốc gia xuất khẩu đồ may mặc khác: đó là sự gián đoạn nguồn cung vật liệu, đơn hàng bị hủy bỏ, vận chuyển bị trì hoãn, và các khoản thanh toán bị chậm – dẫn đến hàng triệu NLĐ trực tiếp phải ngừng việc, giảm thu nhập, và mất việc. Từ đó, NLĐ và gia đình của mình rơi vào nghèo đói do
phải cắt giảm các chi tiêu cơ bản về thực phẩm, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và buộc phải vay các khoản vay tín dụng đen. Bạo lực với NLĐ nữ – vốn chiếm tới gần 80% tổng lực lượng lao động, cũng gia tăng với tỷ lệ đáng lo ngại ở cả hai môi trường – ở nhà, và tại nơi làm việc – các nhà máy.

Nhằm ứng phó với đại dịch, dường như một xu hướng mua hàng mới đã dần xuất hiện trong chuỗi cung ứng ngành may mặc và da giày trên thế giới: các đơn hàng nhỏ hơn – do giờ đây việc mua sắm trực tuyến đã trở nên phổ biến, các yêu cầu về chất lượng cao hơn, thời gian giao hàng ngắn hơn, và giá cả thấp hơn, trong khi áp lực cần đầu tư vào công tác tuân thủ các điều kiện lao động và môi trường ngày càng tăng. Xu hướng mua hàng mới này hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội cho các nhà máy lớn, nhưng lại có nguy cơ lấn át các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vốn nắm tới 60% tỷ lệ việc làm trong hai ngành nói trên tại Việt Nam4. Liệu xu hướng này trong ngành công nghiệp thời trang có phải là một trạng thái bền vững hay không? Đâu là những bài học rút ra từ đại dịch giúp tất cả các chủ thể trong chuỗi cung ứng toàn cầu phục hồi bền vững, đặc biệt là chủ thể dễ bị tổn thương nhất – những người lao động (nữ)?

Báo cáo này dựa trên hai nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu QHLD và tổ chức CARE International thực hiện, với sự tài trợ và hỗ trợ của các thành viên nhóm Hợp tác công tư vì sự phát triển bền vững ngành dệt may-da giày Việt Nam phác họa một bức tranh toàn cảnh về các tác động kinh tế – xã hội của đại dịch COVID-19 đối với ngành may mặc và
da giày ở Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tức thời của đại dịch, Báo cáo cũng sẽ chỉ ra những xu hướng điều chỉnh đang nổi lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, và những ngụ ý đối với các nhà máy cung cấp và người lao động tại Việt Nam. Chương cuối của Báo cáo sẽ đề xuất một cách tiếp cận phát triển bền vững mới trong chuỗi cung ứng hàng may mặc và da giày, cũng như một số khuyến nghị cụ thể cho các doanh nghiệp đầu mối, và chính phủ
các quốc gia nhập khẩu.

Xem báo cáo tiếng Việt tại đây:

Xem báo cáo tiếng Anh tại đây:

Comments are closed.