CSR thế hệ mới: Chính sách tìm nguồn cung ứng có trách nhiệm của Unilever
Làn sóng CSR khởi nguồn từ những năm 1980 nhận được sự đánh giá trái chiều. Một mặt người ta ca ngợi CSR như một thể chế tự nguyện để các DN ở các nước đang phát triển tuân thủ các quy định của pháp luật sở tại về môi trường, lao động, chống tham nhũng và thực hiện đạo đức trong kinh doanh. Mặt khác, các nhà hoạt động môi trường và lao động lại cho rằng CSR không khuyến khích các DN thực hiện tốt hơn mức tối thiểu của pháp luật và thường được sử dụng như một mặt nạ đẹp đẽ cho các MNCs tìm nguồn cung ứng giá rẻ từ các nước thế giới thứ 3. Trong đa số các bộ Quy tắc ứng xử (CoCs), yêu cầu cơ bản vẫn là tuân thủ luật pháp quốc gia về giờ làm việc, lương tối thiểu, tự do hiệp hội, ko lao động cưỡng bức và lao động trẻ em v.v.
Tuy nhiên càng ngày người tiêu dùng, các nhà hoạt động xã hội và ngay cả các MNCs cũng nhận thấy việc chỉ áp dụng các tiêu chuẩn tối thiểu của pháp luật, đặc biệt ở các nước mà yêu cầu tối thiểu đó còn rất thấp, là hoàn toàn không đủ để đảm bảo quyền của người lao động theo tiêu chuẩn quốc tế. Không những vậy việc không tưởng thưởng cho việc làm tốt hơn tiêu chuẩn tối thiểu sẽ làm mất đi động lực để NSDLĐ đầu tư vào mối quan hệ lâu dài với NLĐ của họ, dẫn đến tình trạng NLĐ không được lên tiếng, mất dân chủ tại nơi làm việc, nảy sinh tranh chấp lao động. Khi các vấn đề tiêu cực trong lao động nảy sinh, thì không chỉ các DN ở các nước đang phát triển bị ảnh hưởng mà bản thân các MNCs, các nhãn hàng quốc tế cũng phải chịu tác động tiêu cực.
Unilever là một trong những nhãn hàng với sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Mỗi ngày có khoảng 2 tỷ người sử dụng ít nhất một sản phẩm của Unilever. Mạng lưới các DN cung ứng cho Unilever có 25 triệu lao động. Tuy nhiên, giống như nhiều nhãn hàng quốc tế khác, Unilever có áp dụng CSR cho chuỗi cung ứng, nhưng chủ yếu ở mức độ tuân thủ luật pháp quốc gia. Cho tới khi Unilever hợp tác với Oxfam thực hiện nghiên cứu về việc thực hiện tiêu chuẩn lao động ở Việt Nam, Unilever quyết định thay đổi cách tiếp cận về CSR.
Tuân thủ pháp luật sẽ chỉ là bước bắt buộc ban đầu, sau đó các nhà cung ứng cho Unilever phải cải thiện cao hơn nữa điều kiện lao động của mình. Từ chỗ ‘không gây hại’ tới ‘làm tốt’ (from Doing no harm to Doing good). Các DN cung ứng cho Unilever sẽ được đánh giá, hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, và phải liên tục cải thiện hơn nữa trong các năm tiếp theo. Nếu họ làm tốt, sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn từ Unilever.
Chưa biết việc thực hiện trên thực tế sẽ như thế nào nhưng đây có lẽ là một bước đi táo bạo và tiên phong của một tập đoàn toàn cầu. Nếu thành công, nó sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho làn sóng CSR toàn cầu.
Một số hình ảnh tại Hội nghị triển khai Chính sách cung ứng có trách nhiệm của Unilever tại Việt Nam, ngày 20/11/2014:

Ông Amando Oliviera, Phó Giám đốc tập đoàn CCL, chuyên cung cấp nhãn mác cho Unilever, chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện RSP tại công ty của mình