Kỳ 1: Unilever và chính sách RSP
Điều kiện lao động kém, lương thấp, giờ làm việc dài, tỉ lệ thay thế lao động cao và hệ thống đối thoại giữa NLĐ và NSDLĐ chưa hiệu quả là những vấn đề thường gặp trong các DN cung ứng tại các nước đang phát triển. Theo đánh giá của tổ chức Oxfam, nhiều công ty cung ứng tại Việt Nam của Unilever, tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới, cũng gặp phải nhiều vấn đề trong quan hệ lao động và tuân thủ tiêu chuẩn lao động. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của Unilever là họ dám nhìn thẳng vào vấn đề và tìm cách giải quyết triệt để. Trước hết, Unilever sẵn sàng hợp tác với Oxfam, một NGO quốc tế với mục tiêu xóa giảm đói nghèo và bênh vực những nhóm yếu thế. Trong quá trình hợp tác, Unilever đã nhận ra việc tuân thủ luật lao động và tôn trọng quyền con người là thiết yếu để phát triển bền vũng. Từ đó, công ty này đưa ra Chính sách cung ứng có trách nhiệm (Responsible Sourcing Policy hay RSP), khuôn khổ mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu của Unilever.
Năm 2011, khảo sát của Oxfam về điều kiện lao động trong chuỗi cung ứng của Unilever Việt Nam (UVN) cho thấy:
- Các công ty cung ứng có công đoàn nhưng vai trò mờ nhạt và không có tiếng nói khi thương lượng tập thể
- Lương NLĐ trên mức tối thiểu ($2 một ngày), nhưng vẫn dưới mức đủ sống (5 triệu 420 nghìn đồng/ tháng cho một người lớn và trẻ nhỏ), dẫn đến làm thêm giờ trở nên bắt buộc
- Quan hệ lao động có thể được cải thiện nếu NSDLĐ thực hiện luật lao động sát hơn
Bản báo cáo này đã tạo nên làn sóng dư luận quốc tế nhắm vào hệ thống quan hệ lao động của Unilever (ví dụ, bài viết của CSR-Asia, hãng tin Devex và báo Guardian). Dưới áp lực phải thay đổi để duy trì uy tín cho nhãn hàng, tập đoàn này đã áp dụng khuôn khổ của bộ luật Liên hợp quốc về Kinh doanh và quyền con người vào mô hình kinh doanh của mình cũng như đưa ra chỉ dẫn thực thi bộ luật cho những nhà cung ứng và công ty nhượng quyền thương mại.
Trong quá trình cải tổ bộ máy, RSP đã được tạo ra. Chính sách này giúp Unilever đảm bảo được các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của họ tôn trọng quyền và lợi ích của NLĐ cũng như cố gắng phát triển bền vững bằng cách đặt ra 12 tiêu chí và yêu cầu nhất định.
Unilever RSP phiên bản tiếng Việt
RSP có ba mức (benchmarks), một là “Bắt buộc” (Mandatory), bao gồm 12 quy định cơ bản và bắt buộc mà những công ty muốn trở thành nhà cung ứng cho Unilever cần phải tuân thủ. Trên quy mô thế giới, có hơn 200 nhà cung ứng lớn của Unilever đang bị bắt buộc phải tuân thủ theo 12 quy định này trước tháng 3 năm 2015. Hai mức tiếp theo là “Thực hiện tốt” (Good practice) và “Thực hiện tốt nhất” (Best Practice), dành cho những đối tác làm ăn đã thực hiện xuất sắc 12 điều bắt buộc, những doanh nghiệp này sẽ được ưu đãi bởi Unilever trong kinh doanh.
Sau khi được đưa vào áp dụng, RSP đã tạo ra những thay đổi đáng kể cho chuỗi cung ứng của UVN. Nhiều nhà cung ứng thường bắt công nhân làm thêm giờ quá quy định đã phải dừng lại vì không muốn vi phạm RSP và mất đơn hàng. Điều kiện lao động ở nhiều nhà máy thường xuyên được kiểm tra bởi nhân viên Unilever, nhằm tránh việc bóc lột NLĐ. Tất cả đối tác chiến lược được dự kiến sẽ đạt mức “bắt buộc” trong năm 2014, lên “tuân thủ tốt” vào năm 2016 và “tuân thủ rất tốt” sau năm 2017. UVN còn tích cực điều tra những trường hợp thuê lao động tạm thời của nhà cung ứng và đảm bảo rằng những công nhân này sẽ có công việc ổn định. Trên thực tế, trong 3 năm trở lại đây, Unilever đã giảm được hơn 40% lượng lao động tạm thời của chuỗi cung ứng ở thị trường Châu Á và Châu Phi.
Dù rằng sự thay đổi của Unilever chỉ thật sự xảy dưới áp lực từ dư luận, nỗ lực cải tổ toàn bộ chuỗi cung ứng của họ rất đáng khâm phục. Đây là một trong ít những tập đoàn đa quốc gia với mạng lưới cung ứng khổng lồ dám đứng lên bênh vực quyền và lợi ích của NLĐ ở những nước đang phát triển. Thành công của Unilever nói chung và UVN nói riêng trong chiến lược phát triển lâu dài sẽ là một bài học tốt cho những doanh nghiệp với chuỗi cung ứng lớn.
Dave DO