Lương đủ sống, giấc mơ NLĐ Mỹ, thực tế của Đan Mạch
Trong khi Anthony Moore, một quản lý ca tại Burger King Mỹ, phải vật lộn để mưu sinh với mức thu nhập $8.90 một giờ thì Hampus Elofsson, đồng nghiệp của Moore tại Đan Mạch lại có thể sống khá thoải mái vì được trả $20 một giờ. Đó là bởi ngành công nghiệp đồ ăn nhanh ở Mỹ từ chối việc cắt giảm lợi nhuận và nâng cao chi phí sản xuất còn những chi nhánh của họ ở Đan Mạch lại chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn nhưng nhận được nhiều lợi ích khác như: tỉ lệ thay thế lao động thấp, ổn định kinh doanh và sản xuất hay tạo nên uy tín lâu dài cho thương hiệu.
COPENHAGEN – Sau một buổi chiều, Hampus Elofsson kết thúc tuần làm việc 40 giờ của mình ở Burger King và chuẩn bị đi xem phim rồi uống bia với bạn bè. Anh đã thanh toán tiền thuê nhà cùng với những hóa đơn khác tháng này, cất đi một khoản để dành và vẫn còn đủ để đi chơi đêm.
Đó là bởi Elofsson có mức lương tương đương $20 một giờ – mức lương tối thiểu cho người làm việc tại nhà hàng đồ ăn nhanh trên khắp Đan Mạch và nhiều hơn gấp 2.5 lần mức lương đa số đồng nghiệp của anh nhận ở Mỹ.
“Bạn có thể sống khá thoải mái ở đây khi làm việc trong một nhà hàng đồ ăn nhanh”, anh Elofsson, 24 tuổi nói. “Bạn không phải khổ sở để sống qua ngày”.
Qua ví dụ của những người như anh Elofsson, nhiều người đấu tranh về quyền lao động đang đặt ra một câu hỏi khiêu khích: Nếu chuỗi nhà hàng Đan Mạch có thể trả $20 một giờ, tại sao những công ty đồ ăn nhanh ở Mỹ không trả mức lương $15 một giờ như là nhân viên của họ yêu cầu?
“Như đã thấy ở Đan Mạch, chúng tôi hiểu vận hành một công ty đồ ăn nhanh có lợi nhuận trong khi trả nhân viên mức lương như vậy là hoàn toàn khả thi,” ông John Schmitt, một học giả kinh tế học tại viện nghiên cứu về chính sách kinh tế, một viện chính sách tự do ở Washington, nói.
Nhiều học giả kinh tế và các nhóm doanh nghiệp ở Mỹ cho rằng so sánh vậy là vô cùng thiếu sót bởi những khác biệt cơ bản giữa hai quốc gia như mức phí sinh hoạt và thuế cao ở Đan Mạch, mạng lưới trợ cấp hào phóng bao gồm bảo hiểm y tế toàn dân và hệ thống thương lượng tập thể mà giới chủ và công đoàn hợp tác làm việc. Những nhà hàng đồ ăn nhanh ở đây cũng thu về ít lợi nhuận hơn những chi nhánh ở Mỹ.
“Cố gắng so sánh việc kinh doanh và tiêu chuẩn lao động ở Đan Mạch và Mỹ giống như so sánh quả táo với ô tô,” ông Steve Caldeira, chủ tịch hiệp hội thương mại quốc tế, một tổ chức có trụ sở tại Washington với mục tiêu thúc đẩy nhượng quyền thương mại và có nhiều thành viên là công ty đồ ăn nhanh, nói.
Theo như ông Caldeira, “Đan Mạch là một nước nhỏ” với chi phí sinh hoạt rất cao. “Công đoàn có quyền lực và hệ thống tuyển dụng xoay quanh thực tế đó.”
Nhưng Đan Mạch đã cho thấy, nhiều công ty thích ứng được ở những nước đòi hỏi mức lương đủ sống, và học giả kinh tế như ông Schmitt cho đó là mô hình khả thi.
Đan Mạch không có luật về lương tối thiểu. Nhưng thu nhập $20 một giờ của anh Elofsson là mức thấp nhất ngành công nghiệp đồ ăn nhanh có thể trả theo như thỏa thuận giữa công đoàn lớn nhất của Đan Mạch, 3F, và giới chủ của Đan Mạch Horesta, trong đó bao gồm các thành viên như Burger King, McDonald’s, Starbucks và nhiều nhà hàng cũng như các công ty và khách sạn khác.
Ngược lại, lương ở những công ty đồ ăn nhanh ở Mỹ thấp đến mức nửa số nhân viên của họ phải dựa vào trợ cấp xã hội. Theo một nghiên cứu của trường đại học Berkeley, lương trung bình của một nhân viên đồ ăn nhanh ở Mỹ là $8.90 một giờ.
Là một quản lý ca tại Burger King gần Tampa, Fala,. Anthony Moore được trả $9 một giờ, thường làm việc 35 giờ một tuần và mang về nhà khoảng $300 mỗi tuần.
“Lương như vậy hoàn toàn không đủ” anh Moore, 26 tuổi là quản lý của 10 nhân viên khác, chia sẻ. Tiền thuê nhà là $600 mỗi tháng và anh thường không trả nổi hóa đơn điện, nước. Là người bố độc thân, anh nhận được phiếu thức ăn trị giá $164 mỗi tháng cho hai con gái, 5 và 2 tuổi.
“Nhiều khi tôi tự hỏi, ‘Nên mua thức ăn hay là mua quần áo cho bọn trẻ?’”. “Nếu tôi có thể kiếm $20 một giờ, tôi có thể thật sự sống đàng hoàng, thay vì mơ về cuộc sống đó” anh Moore nói tiếp.
Con gái anh Moore nhận được bảo hiểm y tế qua Medicare, trong khi bản thân anh không có bởi bảo hiểm của Burger King nằm ngoài khả năng tài chính.
“Tôi không đến bác sĩ,” anh nói, kèm thêm việc anh đôi khi đi làm khi ốm bởi “tôi không thể bỏ mất số tiền.”
Burger King từ chối thảo luận về lương hoặc quyền lợi. Họ nói rằng những quyết định đó được đưa ra bởi ban quản lý nhượng quyền thương mại. Công ty này cho rằng “nhà hàng của chúng tôi đã cung cấp việc làm cho hàng triệu người Mỹ,” và Quỹ McLamore của Burger King đã cho công nhân sự hỗ trợ tài chính khẩn cấp và học bổng đại học.
Ông Schmitt, học giả kinh tế, hiểu rằng sẽ cần thời gian để ngành công nghiệp đồ ăn nhanh Mỹ thích ứng với mức lương cao hơn.
“Chúng ta cần phải thay đổi điều này,” ông Schmitt, đồng biên tập của cuốn sách “Lương bổng thấp trong một thế giới giàu có”, nói. “Chúng ta đã tạo ra nền kinh tế giá trị thấp (low-road economy) sẽ cần thời gian để tăng tốc và đi lên giá trị cao hơn”
Ở Đan Mạch, nhân viên đồ ăn nhanh được đảm bảo những quyền lợi mà đồng nghiệp của họ ở Mỹ chỉ có thể mơ đến. Theo như của thỏa ước tập thể của ngành công nghiệp này, mỗi năm NLĐ có năm tuần nghỉ phép được trả lương, nghỉ đẻ được trả lương, nghỉ để chăm sóc con và cả kế hoạch cấp dưỡng. NLĐ phải được trả thêm giờ khi làm việc sau 6 giờ tối và trong ngày Chủ Nhật.
Khác với nhân viên đồ ăn nhanh Mỹ, công việc của nhân viên Đan Mạch được lên lịch trước bốn tuần và họ không thể bị cho nghỉ việc do kinh doanh chậm trễ mà không được trả lương.
Với những quyền lợi đó, anh Elofsson, nhân viên Burger King ở Copenhagen mong rằng sẽ phát triển sự nghiệp cùng công ty và trở thành quản lý nhà hàng. Dù ngành công nghiệp ở Đan Mạch không giữ tài liệu về việc giữ chân NLĐ, HMSHost Đan Mạch, điều hành chuỗi bán đồ ăn nhanh ở sân bay Copenhagen ước tính 70% số nhân viên ở những cửa hàng nhượng quyền Burger King và Starbuck ở lại hơn một năm.
Trong khi đó, một nghiên cứu nội bộ được thực hiện cách đây vài năm bởi McDonald cho thấy thời hạn làm việc trung bình của nhân viên công ty này tại Mỹ là gần tám tháng, mặc dù hiệp hội nhà hàng Mỹ cho rằng nhân viên đồ ăn nhanh Mỹ thường làm công việc này trung bình 20 tháng.
Pháp luật Đan Mạch không bắt buộc công ty đồ ăn nhanh hay người nhượng quyền thương mại cho họ phải trả mức lương quy định trong thoả thuận với công đoàn 3F. Nhưng những công ty này vẫn trả mức lương quy định đó bởi họ đã cam kết với công đoàn và đổi lại, công đoàn sẽ không tham gia vào các cuộc đình công, biểu tình hay nghỉ việc tập thể. “Những gì giới chủ nhận được là sự bình yên,” theo như Peter Lykke Nielsen, trưởng đoàn đàm phán của công đoàn 3F với McDonald’s.
McDonald học được điều này qua một bài học đắt giá. Khi họ chuyển đến Đan Mạch vào những năm ’80, McDonald từ chối tham gia vào hiệp hội giới chủ hay chấp nhận bất cử thỏa thuận thương lượng nào. Chỉ sau đó gần một năm, nhiều cuộc biểu tình dẫn đầu bởi công đoàn đã khiến McDonald chùn bước.
Trong một cuộc phỏng vấn, những nhân viên Đan Mạch của McDonald’s, Burger King và Starbucks đã nói rằng dù Đan Mạch thuộc một trong nước có chi phí sinh hoạt cao nhất thế giới – cao hơn 30% so với ở Mỹ – mức lương $20 một giờ của họ vẫn đủ để trang trải cuộc sống.
Đúng như vậy, chiếc Big Mac ở đây đắt hơn — $5.60 so với $4.80 ở Mỹ. Nhưng đó là cái giá mà người Đan Mạch sẵn sàng trả. “Người Đan Mạch chúng tôi chấp nhận rằng burger đắt, nhưng biết rằng điều kiện lao động và lương thưởng cho NLĐ là hợp lý khi ăn cái bánh đó.” Soren Kaj Andersen, giáo sư của đại học Copenhagen chuyên ngành về vấn đề lao động chia sẻ.
Nếu tình lương bằng Big Macs, nhân viên McDonald ở Đan Mạch được trả 3.4 cái Big Macs một giờ, trong khi nhân viên ở Mỹ chỉ được nhận 1.8 cái, theo như một nghiên cứu thức hiện bởi Orley C. Ashenfelter và Stephan Jurajda, hai giáo sư kinh tế thuộc đại học Kingston và Prague.
Cùng với đó, nhà hàng Đan Mạch thu về ít lợi nhuận hơn. Lương nhà hàng đồ ăn nhanh ở Mỹ thấp hơn rất nhiều so với ở Đan Mạch, và giá của Big Macs ở hai nước khá tương đối, ông Ashenfelter nói, “McDonald ở Mỹ chắc chắn lợi nhuận hơn nhiều lần.” Mức lương cao hơn cùng với giá trên thực đơn cao hơn giúp giải thích tại sao ở Đan Mạch cứ một triệu hộ dân thì có 16 cửa hàng McDonald’s trong khi đó ở Mỹ, con số này là 45, theo như ông Jurajda.
McDonald’s từ chối đưa ra dữ liệu tài chính cho nhà hàng của họ. Nhưng họ lại nói trong một phát ngôn đưa ra, những nước mà hãng hoạt động tại có “khác biệt lớn về cơ cấu chi phí, môi trường kinh tế và khuốn khổ cạnh tranh.” Công ty này còn nói thêm rằng họ và ban quản lý nhượng quyền thương mại đang “ hỗ trợ chi trả mức lương công bằng cho những nhân viên có giá trị sao cho phù hợp với thị trường cạnh tranh.”
Ngành công nghiệp nhà hàng ở Mỹ dự đoán sẽ có một làm sóng tiêu cực nếu lương thưởng được đưa lên mức Đan Mạch. Lương tăng lên $15 một giờ sẽ “cản trở cơ hội việc làm” bởi nhà hàng đồ ăn nhanh sẽ từ chối tuyển dụng, theo như Scott DeFife, phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia. “Tăng hơn gấp đôi lương đầu vào sẽ gia tăng đáng kể phí hoạt động của ngành công nghiệp tồn tại với lợi nhuận thấp.”
Mức lương cao của Đan Mạch khiến việc duy trì lợi nhuận ở nhà hàng của ông Martin Drescher, giám đốc điều hành tại HMSHost Đan Mạch, điều hành những nhà hàng sân bay, khó khăn những không phải là bất khả thi.
“Chúng ta phải hiểu rằng dù chi phí tốn kém hơn” ông Drescher nói. “Nhưng vẫn có thể làm ra lợi nhuận — như là McDonald’s đã làm được. Nếu không họ đã không còn ở Đan Mạch.”
Ông tự hào lưu ý rằng một nhân viên toàn thời gian của Burger King có thu nhập đủ sống. “Công ty sẽ không lãi nhiều, nhưng lợi nhuận được chia ra theo một cách khác. Chúng tôi không muốn có khoảng cách giàu nghèo quá lớn bởi người nghèo sẽ trở nên rất nghèo,” ông Drescher nói thêm. “Chúng tôi không muốn ai phải sống ngoài phố. Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi cho rằng chính bản thân cũng như xã hội đã thất bại.”
Nguồn: ‘Living Wages, Rarity for U.S. Fast-Food Workers, Served Up in Denmark‘