Câu chuyện cái ốc vít và ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam

On Tháng Mười 22, 2014

Cách đây vài tuần, Samsung Việt Nam gây xôn xao khi cho biết họ đưa ra một danh sách hơn 100 thiết bị phụ trợ cần sử dụng cho dây chuyền lắp ráp ở Việt Nam nhưng không thể tìm được nhà cung ứng trong nước nào đáp ứng được nhu cầu… Dân tình xôn xao, không nhẽ ngành công nghiệp phát triển hơn 30 năm của Việt Nam không sản xuất nổi con ốc vít?

Bộ trưởng Công thương đăng đàn trên VTV tuyên bố: Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất ốc vít nhưng giá thành và năng suất không đáp ứng nổi yêu cầu của Samsung…

Dư luận lại một lần nữa tán loạn xào xáo, đa phần đả kích Bộ trưởng Hoàng. Vì sao bao nhiêu tiền của đổ ra mà ngành CN phụ trợ của Việt Nam vẫn chẳng hơn con số o là bao?

Trong một chuyến công tác tôi có dịp gặp một số giám đốc các DN chuyên về cơ khí chính xác. Tôi nửa đùa nửa thật hỏi: có thật là VN không sản xuất nổi ốc vít? Anh giám đốc vốn xuất thân từ kĩ sư cơ khí quân đội mặt mũi hiền hậu nhưng không giấu vẻ từng trải điềm đạm trả lời: ‘Ốc vít thì có gì không sản xuất được. Công nghệ đã có từ lâu, chỉ cần mua máy móc phù hợp, nguyên liệu phù hợp, đào tạo cho công nhân là có thể sản xuất được. Thậm chí, có thể sản xuất những loại ốc vít chất lượng cao nhất. Nhưng vấn đề là ai sẽ mua số ốc vít đó? Các tập đoàn đa quốc gia có chiến lược sẵn về chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Ví dụ, nhóm các nước như Singapore, Malaysia sẽ sản xuất và cung ứng các phụ tùng, thiết bị có kĩ thuật tương đối cao, còn nhóm nước như VN, Cambodia, Bangladesh thì họ chỉ khai thác sức người thôi (lao động giản đơn). Còn những công việc thuộc về sáng chế, nghiên cứu, thiết kế thì luôn phải ở các nước phát triển chứ kể cả Malaysia có khả năng làm cũng không thể nhận được các đơn hàng đó’.

global-supply-chain

Chiến lược cung ứng này không xa lạ gì trên thế giới. Trong ngành dệt may, da giày, điện tử hay FMCG, nhà mua hàng sẽ chỉ định cho các công ty cung ứng ở Việt Nam bắt buộc phải nhập nguyên vật liệu từ đâu. Muốn ký được hợp đồng thì nhà cung ứng bắt buộc phải tuân thủ. Việc phân tách chuỗi cung ứng đối với các tập đoàn đa quốc gia mà nói, vừa có thể giảm thiểu rủi ro, vừa tránh sự phụ thuộc quá mức vào một nhóm quốc gia nhất định, từ đó khiến cho vị thế mặc cả của các tập đoàn mua hàng luôn được đảm bảo. Đó là chưa kể đến các lý do về bảo mật công nghệ.

Lý do thứ hai cản trợ sự phát triển công nghiệp phụ trợ ở những nước như Việt Nam là thị trường. Vì sao Việt Nam phải đi mua vải, mua khuy áo, phéc mơ tuya của Trung Quốc, Ấn Độ? Có phải vì chúng ta không sản xuất được? Thực tế là chúng ta thừa khả năng sản xuất nhưng giá thành sẽ cao hơn Trung Quốc khoảng 6 lần. Trung Quốc có thể sản xuất rẻ hơn chúng ta là nhờ quy mô sản xuất khổng lồ (economy of scale). Trung Quốc cung ứng gần 90% số lượng khuy áo và phéc mơ tuya cho toàn thế giới. Trong khi đó nếu Việt Nam xây dựng một nhà máy tương tự, không chỉ vấn đề vốn lớn (vài chục triệu đô), mà xây xong cũng không biết bán đi đâu cho hết. Mà chỉ để phục vụ cho thị trường Việt Nam thì quá nhỏ bé và tốn kém.

Vậy vì sao các quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore và sau này là Malaysia, Trung Quốc lại có thể vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu? Đó là nhờ sự phát triển của nguồn nhân lực, khả năng kinh doanh trong thị trường quốc tế của giới doanh nhân, và chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Khi một thị trường cung ứng phát triển thì đồng thời lương NLĐ cũng tăng tương ứng. Khi đó các nhà mua hàng sẽ lại chuyển dịch chuỗi cung ứng của mình sao cho tận dụng tối đa các lợi thế mới của các thị trường đang phát triển này, đồng thời chuyển việc lắp ráp đơn giản sang các nước có chi phí lao động thấp hơn.

Vậy tại sao CN phụ trợ của VN suốt 30 năm qua vẫn dậm chân tại chỗ? Đó là vì chúng ta quá thỏa mãn với việc lắp ráp đơn giản mà quên mất trau đồi nguồn nhân lực, tạo ra các chính sách khuyến khích cần thiết cho các DN (đặc biệt là DN tư nhân) để họ đủ khả năng vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngược lại, chúng ta vui mừng phấn khởi vì những con số FDI nhảy múa trên báo cáo mà quên rằng trong nhiều tỷ tỷ đô la đó, chúng ta nhận được bao nhiêu và đổi lại là biết bao cơ hội và thời gian để vươn lên đã bị bỏ lỡ, bao nhiêu nguồn lực của đất nước đã bị phí phạm. Nói đi nói lại, vẫn lại quay về vấn đề phát triển nguồn nhân lực và tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển. Nói hoài mà vẫn chưa có chuyển biến. 

 

Comments are closed.