Vì sao chúng ta xấu xí?

On Tháng Bảy 12, 2014

Khi cơn bão Haiyan tàn phá Philippine, VTV có phát một phóng sự ảnh so sánh cách cư xử của người Philippine và người Nhật trong thảm họa. Trong khi người dân cả 2 nước đều chịu mất mát to lớn cả tính mạng và của cải, người Nhật bản vẫn duy trì trật tự và sự bình tĩnh. Người Philippines, ngược lại, tranh cướp, dẫm đạp và hôi của. Người xem có thể rút ra một kết luận: người Nhật thật tuyệt vời và văn minh còn người Philippines thật man rợ.

Có đúng không? Liệu điều đó có công bằng cho người Philippines?

Ai đã từng sang các nước phát triển đều cảm thấy hẫng hụt khi trở lại Việt Nam. Ở nước ngoài, khi ta chuẩn bị bước vào 1 cánh cửa, người đi trước sẽ giữ cửa giúp. Ở Việt Nam, không cẩn thận cánh cửa đằng trước sẽ bật tưng vào mặt bạn. Ở nước ngoài, trên xe bus hay train, người ta sẽ tự động đứng dậy nhường chỗ cho người già, trẻ em và phụ nữ. Ở Việt Nam thì, xin lỗi nếu bạn chậm chân, cho dù bạn có thai to tướng hay què chân thì cũng vẫn đứng như thường.

Vậy là ‘người ta’ tốt còn chúng ta xấu?

Nếu ai hay đọc lịch sử sẽ biết rằng người Nhật không tự nhiên trở thành văn minh và điềm tĩnh như hiện nay. Vào thế kỷ 18, công nhân Nhật nổi tiếng thế giới là bất trị, vô kỷ luật, năng suất thấp và chuyên trị nhảy việc. Hàng tháng vào ngày phát lương, các bà vợ Nhật phải canh ở cổng nhà máy để giật vội tiền lương của các ông chồng trước khi họ đốt vào rượu và bài bạc. Vậy vì sao họ thay đổi?

Ở Việt Nam, tôi có nhiều họ hàng rất tốt bụng. Nhưng chính họ sẽ cười sặc sụa khi thấy một anh Tây “ngố” dừng xe trước đèn đỏ trong khi mọi người Việt Nam rồ ga phóng qua vì… làm gì có công an mà phải dừng. Tôi có nhiều bạn bè tuyệt vời và trí thức nhưng họ sẵn sàng giẫm đạp lên người khác và xô đổ cổng trường Thực nghiệm để dành cho con cái mình 1 suất học tại đây.

Điều khác chăng giữa chúng ta ngày nay với người Nhật hiện tại là trật tự xã hội. Tôi tạm gọi XH Nhật hiện tại là XH tôn vinh cái Thiện. Nó thể hiện ở hệ thống phúc lợi xã hội gần như hoàn hảo đảm bảo cuộc sống cho mọi người; thể hiện ở chế độ pháp trị, pháp luật được thực thi và tôn trọng chứ không để làm cảnh; một XH mà đạo đức được tôn vinh và cái xấu bị kỳ thị. Đơn giản như một người lao động Nhật không nhảy việc liên tục nếu như họ biết sự trung thành của họ sẽ được đền đáp bằng một kế hoạch phát triển cá nhân rõ ràng và công bằng, một chế độ phúc lợi cạnh tranh và đảm bảo, và sẽ bị kỳ thị bởi các công ty khác nếu họ nhảy việc. Hoặc một người Việt khi ra nước ngoài bỗng trở nên văn minh hơn bởi vì khi họ giữ cửa cho người khác, họ nhận được nụ cười và lời cảm ơn; ngược lại nếu họ từ chối nhường ghế cho người già, cả xe bus sẽ khinh bỉ họ. Hay sau thảm họa tự nhiên, người Nhật lập tức nhận được hỗ trợ của Chính phủ còn người Philippines đói nhăn cả chục ngày chưa nhận được viện trợ.

 

Vậy một cá nhân có thể thay đổi trật tự XH hay không? Không và Có. Có quá nhiều yếu tố khiến cho nỗ lực cá nhân thất bại, đương nhiên rồi. Nhưng không có nghĩa chúng ta không thể làm thay đổi hành vi của ít nhất là những người xung quanh chúng ta, những sự việc trước mắt chúng ta. Hãy đứng dậy nhường chỗ cho người già trên xe bus kể cả khi họ chẳng thèm cảm ơn chúng ta. Hãy dừng trước đèn đỏ cho dù sẽ có người bảo chúng ta là đồ ngốc. Và hãy dạy cho con cái chúng ta biết rằng sống văn minh và tôn trọng các giá trị đạo đức có thể khiến ta thiệt thòi lúc này nhưng lâu dài nó là con đường phát triển cần có của mọi dân tộc và mọi xã hội.

Comments are closed.