Phỏng vấn trực tiếp VOV1: Câu chuyện ngủ trưa và hiệu quả công việc
–H. Điệp: Dòng chảy sự kiện hôm nay xin được bắt đầu với một vấn đề đang được dư luận quan tâm.
Thưa quý vị và các bạn! Tuần qua, thông tin công ty FPT IS ban hành nội quy văn phòng tại khu vực Hà Nội, trong đó từ đâu tháng 6 này, FPT IS chính thức cấm cán bộ nhân viên nằm ngủ trong khu vực làm việc. Lý giải về quy định vừa nêu, ông Đỗ Cao Bảo, chủ tịch công ty cho biết ông đưa ra lệnh cấm sau khi nghe khách hàng nước ngoài phàn nàn về hình ảnh nhân viên của công ty ngủ trưa trong văn phòng. Và theo ông Bảo, ngủ trưa chỉ thuần túy là một thói quen chứ không hẳn là để tái tạo sức lao động.
Từ câu chuyện này, cũng đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau trong dư luận xã hội về thế nào là văn hóa công sở, chuyện ngủ trưa ở nơi làm việc hay “văn hóa nghỉ trưa” ở nhiều cơ quan công sở nước ta? và điều đó có ảnh hưởng gì tới chất lượng công việc? khi mà mới đây, Báo cáo “Thế giới Việc làm 2014: Phát triển với việc làm” do Tổ chức Lao động Quốc tế công bố cho biết năng suất lao động của Việt Nam ở hàng thấp nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Tìm hiểu vấn đề này dưới góc độ xã hội, chúng tôi có cuộc trao đổi trực tiếp với TS Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động:
-1. Cảm ơn TS Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động đã tham gia chương trình!
-C.Chi: Chào thính giả đang nghe Đài cả nước.
2. Trước khi bắt đầu cuộc trao đổi, mời TS Quỳnh Chi và quý thính giả nghe 1 phóng sự ngắn mà chúng tôi vừa thực hiện:
(Phóng sự)
Thưa quý vị và các bạn! Trong những ngày qua, quy định cấm ngủ trưa tại công ty FPT IS đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, theo dõi của không chỉ riêng nhân viên của công ty này. Chủ đề nên hay không nên ngủ trưa ở các công ty, cơ quan đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn, và fanpage.
Băng: Ngủ trưa, dù chỉ 30 phút cũng phục hồi sức khỏe rất đáng kể để phục hồi năng suất lao động. Cấm nghỉ trưa là việc làm thiếu suy nghĩ.
Có rất nhiều ý kiến cho rằng, giấc ngủ trưa với người lao động cực kỳ quan trọng, giúp người lao động tỉnh táo sau thời gian làm việc căng thẳng liên tục. Vậy các công ty, cơ quan nên xây dựng khu vực nghỉ trưa riêng cho nhân viên vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa đảm bảo sức khỏe làm việc tốt nhất cho nhân viên của mình:
Băng: Theo tôi giấc ngủ trưa rất quan trọng, nếu như công ty cấm nhân viên không được ngủ trong phòng thì công ty phải có phòng riêng cho nhân viên nghi ngơi.
Đa số nhân viên tại các công sở đều cho rằng, việc cấm nhân viên ngủ trưa nơi công sở là hết sức vô lý, không ngủ trưa là phản khoa học, nó mang tính áp đặt và không có tính thuyết phục đối với ở nước ta:
Băng: Tôi nghĩ việc cấm ngủ trưa ở công sở là rất vô lý! Ngủ trưa rất quan trọng cho sức khỏe, thế tại sao lại cấm? Do vậy, trước khi muốn “cấm nhân viên ngủ trưa” thì lãnh đạo tập đoàn FPT cần phải nghiên cứu kỹ xem phía sau một hiện tượng như hiện tượng “ngủ trưa” là cái gì. Muốn theo nước ngoài thì phải theo cho trọn, chứ không thể theo nửa vời. Muốn cấm nhân viên ngủ trưa thì anh cũng phải thay đổi thời gian làm việc giống tây – không phải bắt đầu đến công sở lúc 7 – 8 giờ mà là 9 – 10 giờ.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, giờ nghỉ trưa của nước ta ở các công sở hiện nay từ 12h – 14h như vậy là quá dài:
Băng: Tôi nghĩ giờ nghỉ trưa chỉ nên kéo dài trong 1 tiếng thôi, và khi nghỉ trưa có thể là cho phép gục đầu xuống bàn để ngủ, không nên nằm ra nghế, gây phản cảm từ các tư thế nằm ngủ ngay tại bàn làm việc.
–H. Điệp: Vâng, thưa quý vị và các bạn! Quy định cấm ngủ trưa nơi công sở được cho là xuất phát từ mục đích muốn nâng cao hiệu suất lao động và nâng cao vị thế cạnh tranh về mặt văn hóa trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, phóng sự ngắn vừa rồi cho thấy đã có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh chuyện giờ nghỉ trưa, nói vui là văn hóa nghỉ trưa của người Việt. Xin hỏi chị Quỳnh Chi, chị nghĩ sao về câu chuyện này?
-C.Chi: Thực ra câu chuyện ngủ trưa hay nghỉ trưa quá dài không phải chuyện của riêng Việt Nam. Nhiều nước thuộc khu vực nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới đều có thói quen này. Thậm chí khi tôi sang Italia hay Tây Ban Nha (Nam Âu) cũng gặp cảnh các ông chủ cửa hàng đóng cửa ngủ tới 3h mới dậy bán hàng. Tôi nghĩ nên nhìn nhận vấn đề này từ 2 góc độ: góc độ văn hóa và góc độ hiệu quả.
Văn hóa ở đây bao gồm cả văn hóa địa phương, cho tới văn hóa công sở và thói quen tại các DN. Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp. Nhà nông thường bắt đầu làm việc từ rất sớm 5-6h sáng và nghỉ vào lúc 1030-11h. Việc nghỉ sớm không phải vì lười mà vì thời điểm buổi trưa mặt trời rất gay gắt, dễ gây say nắng, không thích hợp với việc làm đồng áng. Qua mấy nghìn năm, người Việt hình thành thói quen bắt đầu ngày làm việc sớm và nghỉ trưa khá dài. Người VN coi đó là việc bình thường, coi giờ nghỉ trưa là để khôi phục sức khỏe, chứ không thể hiện thái độ làm việc. Ngược lại, các nước ôn đới, đặc biệt là các nước công nghiệp hóa, họ bắt đầu giờ làm việc khá muộn (9h) và buổi trưa nghỉ rất ít (30 phút-1h). Thậm chí có nơi NLĐ vừa ăn trưa vừa tiếp tục làm việc. Nếu có ai đó bị bắt gặp ngủ tại nơi làm việc vào giờ nghỉ trưa sẽ bị coi là lười nhác, không chuyên nghiệp. Đây chính là lý do khiến nhiều người nước ngoài rất ngạc nhiên khi thấy công sở Việt Nam tắt đèn ngủ trưa hàng tiếng đồng hồ, như trong trường hợp của FPT-IS.
-2. Vâng, có thể nói là việc ngủ trưa tại văn phòng hay “văn hóa nghỉ trưa” như la cà quán xá, cà phê, tranh thủ shopping hay kiểu làm việc dềnh dàng… đã trở thành một thói quen khó thay đổi của người Việt. Vậy, nó có ảnh hưởng tới tới hiệu quả và chất lượng công việc hay không?
-C.Chi: Phải nói thực là văn hóa nghỉ trưa như bạn nói, theo kiểu dông dài lãng phí, chỉ xảy ra ở các văn phòng thuộc các cơ quan nhà nước hoặc các công ty hoạt động chưa chuyên nghiệp. Tôi đã tới nhiều văn phòng của các công ty FDI hoặc tư nhân làm việc chuyên nghiệp thì thấy giờ nghỉ trưa của họ không dài (1h), và NLĐ từ văn phòng cho tới công nhân tận dụng thời gian này để trao đổi với đồng nghiệp nhằm xây dựng quan hệ, thậm chí họp công đoàn, có người thì tập thể thao (yoga, gym) ngay tại văn phòng nếu có điều kiện. Họ trở lại làm việc sau giờ nghỉ rất đúng giờ, hoàn toàn tỉnh táo, đầy năng lượng. Do đó không nên đánh đồng việc nghỉ trưa dông dài cho mọi DN và văn phòng ở VN.
Đương nhiên nghỉ trưa theo kiểu dông dài lãng phí rất có hại tới hiệu quả công việc, hình ảnh và sự chuyên nghiệp của mỗi người cũng như của cả DN.
Theo các nghiên cứu trên thế giới về mối liên hệ giữa nghỉ trưa, ngủ trưa và năng suất làm việc, ví dụ nghiên cứu năm 2002 của Harvard University hay nghiên cứu của Mayo Clinic năm 2012 thì việc ngủ ngắn sau bữa ăn trưa có hiệu quả khác nhau tới sức khỏe. Nếu chợp mắt từ 10-20 phút, sẽ giúp chúng ta tăng khả năng ghi nhớ, giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, nếu ngủ trên 20 phút, chúng ta sẽ bị rơi vào giấc ngủ sâu, nên khi tỉnh dậy sẽ có cảm giác mệt, mất phương hướng, không tỉnh táo và đương nhiên là năng suất làm việc giảm vào buổi chiều. Tuy nhiên, cho dù ngủ ngắn đi nữa, rất không nên ngủ ngay tại bàn làm việc vì tư thế không thoải mái sẽ ảnh hưởng xấu tới xương, khớp, hô hấp và tuần hoàn máu.
Tuy nhiên, bên cạnh việc ngủ thì các nhà khoa học khuyến khích chúng ta sử dụng giờ nghỉ quý giá buổi trưa để rời khỏi chỗ làm việc và làm một công việc khác với công việc chúng ta đã làm vào buổi sáng. Ví dụ: tập thể dục, đi dạo, gặp gỡ đồng nghiệp, bạn bè v.v. Nghĩa là nghỉ ngơi tích cực để cơ thể chúng ta hồi phục, giảm stress. Việc nghỉ tích cực sẽ làm đầu óc chúng ta thoải mái và tạo ra năng suất cao vào buổi chiều. Các nước phương Tây khuyến khích NLĐ sử dụng giờ nghỉ trưa để xây dựng quan hệ xã hội tại nơi làm việc hoặc rèn luyện sức khỏe thay vì ngủ gục trên bàn làm việc.
-3. Thưa chị, trong Báo cáo “Thế giới Việc làm 2014: Phát triển với việc làm” do Tổ chức Lao động Quốc tế công bố mới đây cho biết năng suất lao động của Việt Nam ở hàng thấp nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chị có cho rằng cùng với nhiều nguyên nhân khách quan, thói quen ngủ trưa, nghỉ trưa dài, là một rào cản khiến chúng ta có thể bị tụt hậu?
-C.Chi: Tôi đã nhiều lần chứng kiến tại các hội thảo, tập huấn ở Việt Nam, các đại biểu ngủ gà ngủ gật vào buổi chiều do thói quen ngủ trưa quá dài. Nhiều lần đi hội thảo nước ngoài, tôi cũng thực sự bối rối khi các báo cáo viên Việt Nam không kiềm chế được mà ngủ gục trong các phiên thảo luận buổi chiều trong khi các đồng nghiệp nước ngoài hoàn toàn tỉnh táo và nhìn chúng ta với con mắt khó hiểu, thậm chí hơi coi thường. Chính vì vậy, tôi đồng cảm với FPT IS vì không chỉ khi khách hàng tới thăm văn phòng công ty ở Việt Nam, mà khi kĩ sư Việt Nam làm việc cùng các đồng nghiệp nước ngoài, nếu chúng ta không luyện đc thói quen nghỉ trưa tích cực (thay vì ngủ dài) để giữ được năng suất và sự tỉnh táo vào buổi chiều thì coi như chúng ta đã thất bại luôn rồi, chưa kể tạo ấn tượng rất xấu vì người nước ngoài coi việc ngủ trưa là biểu hiện của sự lười biếng, thiếu chuyên nghiệp.
4. Trở lại với quyết định cấm ngủ trưa nơi công sở của một công ty ở FPT. Chị có cho rằng việc cấm ngủ trưa hay giảm bớt giờ nghỉ trưa có thể thúc đẩy năng suất lao động hay không? Hay là chúng ta cần có một sự đột phá về tư duy ngay trong lĩnh vực này?
-C.Chi: Mặc dù như trên đã nói tôi đồng cảm với quyết định của công ty FPT nhưng tôi không nghĩ cách thực hiện của họ là hiệu quả. Lý do là khi chúng ta muốn thay đổi một thói quen lâu dài của NLĐ, chúng ta nên cho họ một thời gian để thích ứng. Ví dụ như việc không ngủ trưa thì phải mất ít nhất 1 tuần cơ thể chúng ta mới thích nghi và không cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi. Công ty nên cho thời gian khoảng 2 tuần để NLĐ thích nghi, sau đó mới phạt hoặc kỷ luật nếu NLĐ không tuân thủ. Ngoài ra, công ty nên tạo các khu vực để NLĐ nghỉ trưa tích cực như khu vực làm việc sáng tạo, góc cà phê, góc giao lưu, khu tập thể dục/yoga. Chính công ty hoặc công đoàn, đoàn thanh niên, nên tổ chức một số hoạt động để NLĐ tham gia và tạo thành thói quen, vượt qua đc giai đoạn đầu chưa quen. Nếu dùng quyết định đơn phương của lãnh đạo DN áp đặt, ngoài việc NLĐ không có sự chuẩn bị để thích ứng, còn tạo ra tâm lý không hợp tác, thiếu tin tưởng và mất lòng tin vào chính sách của công ty. Nhiều nhân viên FPT còn tuyên bố là nếu không cho họ ngủ nằm thì họ sẽ ngủ ngồi. Tôi nghĩ đây không phải là kết quả mà BGĐ công ty mong muốn. Vì vậy, theo tôi, cần có thời gian và sự thuyết phục để NLĐ làm quen và giờ nghỉ trưa chỉ cần 1h là đủ, không nên kéo dài, dẫn tới tình trạng nhân viên ko biết làm gì cho hết thời gian, kéo nhau lang thang shopping, ngủ vạ vật.
Nghỉ trưa ngắn nhưng tích cực, theo tôi, chính là cách để tạo phong thái chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả làm việc cho NLĐ.
–H. Điệp: Xin cảm ơn TS Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động với những phân tích vừa rồi.
Thưa quý vị và các bạn! Hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh câu chuyện “văn hóa nghỉ trưa” ở nước ta và tác động của nó đối với năng suất lao động ở nhiều doanh nghiệp. Ở một số quốc gia, đặc biệt là các nước phương Tây, chẳng hạn như Nhật bản ở gần ta, giờ nghỉ trưa của họ rất ít. Chỉ 1 tiếng từ 12h-13h, nhưng hiệu quả công việc của họ vẫn rất cao, có thể nói hàng đầu thế giới. Kinh nghiệm thực tế của các nước như thế nào trong câu chuyện này? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến quý vị và các bạn trong chương trình Điểm hẹn 17h chiều mai.
Link audio: http://vov1.vov.vn/tim-kiem/diem-hen-17h-ngay-1662014-c49-10692.aspx