Ai đứng sau các cuộc bạo động tại Bình Dương và Hà Tĩnh?
Trong một bài gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động đã đăng một bài “Đừng để hàm oan cho những người công nhân” sau vụ bạo động tại Bình Dương và Hà Tĩnh. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã khẳng định các cuộc bạo động này không xuất phát từ quan hệ lao động mà do kẻ xấu lợi dụng lòng yêu nước của công nhân. Một số công nhân, vì bị kích động và không hiểu rõ tình hình, đã bị lôi kéo và các cuộc bạo động. Mặc dù lúc đó có nhiều nghi ngờ về việc ai là người đứng sau nhưng tới hôm nay, dựa trên phản ứng của Bắc Kinh và dư luận Trung Quốc (được định hướng bởi truyền thông Trung Quốc), đã có thể xác định rất rõ ai là người được hưởng lợi nhiều nhất từ các vụ bạo động vừa qua. Những tình tiết có thể khẳng định Bắc Kinh là bên được hưởng lợi nhiều nhất từ việc kích động bạo lực từ các cuộc biểu tình yêu nước vốn rất ôn hòa của NLĐ Việt Nam bao gồm:
1. Những kẻ kích động bạo lực hoặc trực tiếp tham gia bạo lực tại Bình Dương và Hà Tĩnh đa phần là côn đồ chứ không phải công nhân của các nhà máy. Những kẻ côn đồ này được lợi gì từ việc kích động bạo lực? Chúng không sợ bị bắt hay sao? Câu trả lời chỉ có thể là chúng đã được trả tiền, và trả khá cao, để thực hiện các hành vi trên.
2. Trước giờ TQ không nổi tiếng về việc bảo vệ người dân của mình ở nước ngoài. Như vụ MH 370, đa phần là Malaysia rồi Úc hăng hái tìm kiếm chứ TQ cứ im lìm mặc dù đa phần nạn nhân là người TQ. Vậy nhưng chỉ 1, 2 ngày sau vụ Vũng Áng, Bắc Kinh đã thuê cả máy bay để di tản cả ngàn công nhân từ công trường Formosa về nước.Vì sao phải nhanh và vội như vậy khi mà tình hình ở Vũng Áng cũng như trên toàn quốc đã được ổn định? Câu trả lời chỉ có thể là Bắc Kinh muốn dùng sự việc này làm cái cớ, đẩy mạnh hơn nữa phản ứng của dư luận Trung Quốc và quốc tế, tạo đà cho các kế hoạch sau này.
3. Đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh dùng chiêu bài kích động mâu thuẫn và dùng nó làm cớ gây chiến. Năm 1978, chuyên gia Trung Quốc tham gia công trường xây cầu Thăng Long đã cố tình suỵt chó tấn công công nhân Việt Nam. Một vài công nhân đánh chó nhưng bên TQ làm rùm beng lên, dẫn đến nhiều vụ việc tiếp theo và cuối cùng là chiến tranh biên giới tháng 2/1979.
Hiện nay trên một số mạng xã hội của Trung Quốc, đã có dư luận phản ứng gay gắt với Việt Nam về vụ việc tại Hà Tĩnh và Bình Dương, đòi Bắc Kinh phải có hành động cương quyết như Nga tại Ukraine. Không hiểu việc tạo dư luận này có phải là một phần trong kế hoạch tiếp theo của Bắc Kinh hay không? Trước tình thế này, cần nhất là các anh chị em nhân sự, quan hệ lao động cần trấn an NLĐ của mình và làm theo hướng dẫn của chính quyền, tránh để bị kích động mà rơi vào bẫy của kẻ xấu.