Lạm bàn về việc giảng dạy Quan hệ lao động ở Việt Nam
Quan hệ lao động là một ngành khoa học đã đi tới thoái trào trên thế giới!
Tại sao lại như vậy? Quan hệ lao động ra đời cùng với sự ra đời của nền kinh tế công nghiệp, được đánh dấu bằng sự ra đời của máy hơi nước ở Anh, của sự xuất hiện một tầng lớp lao động giã từ đồng ruộng và làm việc trong nhà máy, của sự ra đời của hợp đồng lao động. Ngành nghiên cứu và giảng dạy về QHLĐ ra đời tại Hoa Kỳ và đạt tới đỉnh cao vào những năm 1970 khi mà châu Âu và nhiều nước công nghiệp ở châu Á đang chìm trong làn sóng đình công. Tuy nhiên cho tới nay, khi hệ thống quản trị doanh nghiệp và nhân sự đã đạt đến trình độ cao trong một xã hội phúc lợi đảm bảo, thì QHLĐ đã trở nên thoái trào và biến thể thành nhiều dạng thức nghiên cứu khác, ví dụ như cân bằng công việc và gia đình, yếu tố giới trong lao động v.v.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, QHLĐ đang ở điểm khởi đầu. Việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập về QHLĐ trở nên ngày càng cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi từ thực tế tại các doanh nghiệp, các địa phương và chính sách quốc gia. Cái gì khởi đầu cũng đều gian nan. Ở Việt Nam càng gian nan hơn khi chúng ta thiếu thông tin, tài liệu, chuyên gia, và thiếu cả định hướng về QHLĐ. Dù vậy, có lẽ cần có một cái nhìn đúng đắn về cách nghiên cứu, giảng dạy QHLĐ hiện nay trong các trường để có một hướng đi đúng và phù hợp ngay từ đầu.
1. Học Quan hệ lao động để làm gì?
QHLĐ là một lĩnh vực giao thoa của rất nhiều ngành: lịch sử, kinh tế, luật, tâm lý, xã hội học, nhân chủng học xã hội. Người ta tìm đến QHLĐ với nhiều mục đích khác nhau. Ở các nước phát triển, việc học QHLĐ có thể phục vụ các mục tiêu sau:
- Học QHLĐ ở bậc sau đại học để làm nhà nghiên cứu, giáo sư giảng dạy về QHLĐ tại các trường Đại học
- Học một số kĩ năng QHLĐ như đàm phán, hòa giải, hỗ trợ đối thoại v.v. để làm cán bộ công đoàn, nhân sự hoặc cao hơn là chuyên gia hòa giải
- Học QHLĐ tại cấp độ DN để làm cán bộ QHLĐ của doanh nghiệp (chuyên về đàm phán thỏa ước LĐTT)
Với mỗi mục tiêu trên, nội dung học sẽ rất khác nhau. Nếu chỉ ở cấp độ thực hành (mục tiêu 2 và 3) thì không cần thiết phải học nhiều về lịch sử, thiết chế (institutions), các lý thuyết QHLĐ mà tập trung vào luyệ kĩ năng thực hành và đặc biệt là các ví dụ thực tế (case studies). Nói cách khác, tùy thuộc vào mục đích học mà chương trình đào tạo và giáo trình giảng dạy phải khác nhau cho phù hợp với nhu cầu người học. Khi đào tạo mang tính thực tiễn cho cán bộ công đoàn hay nhân sự mà bệ nguyên lý thuyết cho các thạc sĩ, tiến sĩ QHLĐ vào sẽ là thừa và lãng phí, đồng thời làm người học chán, mất tập trung.
2. Chương trình giảng dạy QHLĐ:
Phần trên tôi đã nói tới ví dụ thực tế và tôi cho rằng đây chính là cốt lõi của ngành QHLĐ. Vì sao? Bản chất của QHLĐ là sự đa dạng: mỗi quốc gia, mỗi ngành, thậm chí mỗi ngành ở mỗi địa phương có những đặc điểm QHLĐ rất riêng. Thậm chí, một công ty đa quốc gia cũng có hệ thống QHLĐ riêng khác. Một ví dụ điển hình là hệ thống QHLĐ của Samsung (Hàn Quốc) hay Toyota (Nhật Bản) là đối tượng nghiên cứu của rất rất nhiều chuyên gia QHLĐ trên toàn thế giới. Chính vì đa dạng nên kể cả khi đào tạo QHLĐ ở bậc sau đại học, các chương trình giảng dạy và sách giáo khoa (textbooks) đều có rất nhiều các case studies trong khi lý thuyết chỉ là một phần nhỏ. Khi học QHLĐ ở Sydney, chúng tôi hay đùa là: lý thuyết QHLĐ được lập ra với mục đích duy nhất là để bị phá vỡ. Đó là vì có quá nhiều hình thái QHLĐ khác nhau nên gần như ko có lý thuyết (theory) nào là đúng hoàn toàn.
Do đó, các giáo trình giảng dạy QHLĐ cần tập hợp rất nhiều các case studies, cả nước ngoài và trong nước. Đặc biệt là các case studies về QHLĐ tại Việt Nam bởi vì khi áp dụng, chúng ta rất khó “copy” cách xử lý của các DN nước ngoài với hệ thống pháp lý, văn hóa, lao động vô cùng khác biệt.
Để có được các case studies về QHLĐ Việt Nam, rất cần các nhà nghiên cứu thực sự. Chính họ là người tới các DN, quan sát và phân tích thực tiễn để cho chúng ta các cases có giá trị giáo dục cao. Hiện nay, rất tiếc là chúng ta còn quá thiếu các nhà nghiên cứu thực sự, đặc biệt là ở các trường Đại học. Các thầy cô giáo chỉ có nhiệm vụ giảng dạy mà hình như không có thời gian hay động lực để làm nghiên cứu.
3. Giảng dạy luôn đi kèm với nghiên cứu
Ở mọi quốc gia trên thế giới, các trường đại học chính là các trung tâm nghiên cứu lớn. Các thầy cô giáo cũng chính là các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Cứ sau 2 năm giảng dạy, họ có 1 năm nghỉ dạy, tập trung vào nghiên cứu, gọi là sabastical year. Trong năm đó, họ có thể thực hiện nghiên cứu hoặc sang các trường đại học khác thực hiện các dự án. Nhờ có việc thường xuyên nghiên cứu, họ nắm bắt những thay đổi của QHLĐ trên thực tế, từ đó làm giàu thêm giáo án của mình bằng các kinh nghiệm thực tiễn, các case studies mới. Nhờ đó, khi sinh viên ra trường cũng không có khoảng cách với thực tế.
Ở nước ta, tiêu chí tuyển giáo viên trước hết và luôn là khả năng giảng dạy. Nghiên cứu chưa bao giờ được coi là một tiêu chí. Đó là chưa kể hàng loạt rào cản đối với việc nghiên cứu của các giáo viên như: tiền lương, thời gian, ngoại ngữ v.v. Người gánh chịu hậu quả, đương nhiên, chính là sinh viên. Những người phải học những kiến thức đã quá cũ kĩ, lạc hậu trong suốt 4 năm và khi ra trường họ phải tự học lại từ đầu, từ chính công việc.
Hôm trước tôi cà phê với một giáo sư từ Hoa Kỳ. Anh kể đã đến thăm một trường ĐH lớn có khoa về QHLĐ. Họ rất hăm hở đề nghị hợp tác, đặc biệt là đề nghị anh giúp viết giáo trình QHLĐ. Anh hỏi: vậy các anh đã có nghiên cứu nào về QHLĐ ở Việt Nam chưa, vì viết giáo trình thì cần các nghiên cứu như vậy? Họ trả lời: cũng có. Anh bảo: vậy có bản tiếng Anh ko, gửi cho tôi nhé. Họ nói: toàn bằng tiếng Việt, mà nếu gửi cho anh chúng tôi phải xin phép cấp trên. Anh ngạc nhiên lắm, bảo với tôi: tao không hiểu nổi, họ làm nghiên cứu mà lại giữ khư khư, không chia sẻ với ai. Vậy họ sẽ viết gì vào trong giáo trình?
Thực ra câu chuyện của anh bạn người Mỹ cũng không có gì ngạc nhiên với tôi vì tôi được biết bộ giáo trình đầu tiên về QHLĐ của 1 trường ĐH lớn tại Hà Nội là sản phẩm dịch thuật: các thầy cô giáo Google các bài viết tiếng Anh, sau đó thuê người dịch, rồi đóng quyển lại, cộp mác của trường lên. Xong!
Tiêu đề tôi có dùng từ “lạm bàn” vì tôi biết mình không có quyền phê phán ai khi không hiểu hết những khó khăn của họ. Chỉ muốn nêu một vài ý kiến trên đây, mong những người có trách nhiệm và tâm huyết với QHLĐ ở Việt Nam có thể chỉnh sửa ít nhiều, vì thế hệ tương lai.
Đỗ Quỳnh Chi
Tiến sĩ Quan hệ lao động (Đại học Sydney, Australia)