Phần 2: Các lỗi thường gặp của NSDLĐ trong đối thoại tại nơi làm việc

On Tháng Tư 17, 2014

Có một số ít NSDLĐ rất thoải mái và sẵn sàng đối thoại với NLĐ; đa phần NSDLĐ lảng tránh việc đối thoại cho tới khi không đừng được và một số ít còn lại hoàn toàn từ chối việc đối thoại với nhân viên của mình với lý do NLĐ chỉ cần làm theo mệnh lệnh, không được nêu ý kiến.

Với nhóm thứ 3, một số ít sẽ thay đổi cách tiếp cận sau khi họ chứng kiến tác hại của việc không đối thoại. Tôi từng phỏng vấn một ông tổng giám đốc Nhật Bản. Trước khi công ty của ông bị đình công, ông thuộc nhóm thứ 3. Quan điểm của ông là: tôi mang vốn đến VN đầu tư, mang đến cho NLĐ Việt Nam việc làm và thu nhập, vậy thì họ phải làm việc tận tụy và đừng đòi hỏi gì. Thậm chí tới khi công nhân của ông gửi bản kiến nghị đề nghị tăng 7% lương và đe dọa đình công, ông tức giận vứt lá thư vào sọt rác và gọi những công nhân đó là ‘những kẻ vô ơn’. Chỉ đến khi đình công thực sự nổ ra, cả nhà máy đóng cửa 1 ngày và ông TGĐ bị khiển trách nặng nề vì không kịp thời xử lý, ông mới thay đổi cách tiếp cận theo hướng cho phép phản hồi nhiều hơn từ phía NLĐ.

Dù là NSDLĐ thuộc nhóm 1 hay nhóm 2&3, cũng có thể mắc những sai lầm trong đối thoại với NLĐ. Các lỗi này nhẹ thì chỉ gây sai lạc thông tin, nặng thì dẫn tới khiếu kiện, đình công. Xin liệt kê ra đây 3 lỗi thường gặp nhất:

Boss-shouting-ego-work-007

1. NSDLĐ cho rằng NLĐ hoàn toàn hài lòng với công việc và không có nhu cầu đối thoại: chuyện thật như đùa nhưng tôi đã từng được một bà phó tổng giám đốc kiêm chủ tịch công doàn cơ sở 1 công ty may nhà nước cho biết “Công ty chúng tôi đã chăm lo chu đáo mọi việc cho NLĐ rồi nên họ không bao giờ có khiếu nại, phàn nàn gì và việc đối thoại thường xuyên là không cần thiết”. Nếu mở hòm thư góp ý của công ty đó ra thì có lẽ lời bà PTGĐ là đúng vì hòm thư trống không, vương đầy mạng nhện. Nhưng khi nói chuyện với NLĐ (bên ngoài nhà máy) thì mới thấy họ bức xúc tràn đầy mà không có bất kỳ cách nào giải tỏa được. Thực tế cho thấy kể cả các công ty tốt nhất, NLĐ vẫn có những khúc mắc, kiến nghị và họ mong NSDLĐ lắng nghe, giải quyết thỏa đáng. Vì vậy mọi công ty đều cần có hệ thống đối thoại phù hợp và được vận hành thường xuyên.

2. NSDLĐ giao toàn quyền cho Phòng Nhân sự làm nhiệm vụ đối thoại với NLĐ: đây lại là một lỗi kinh điển nữa. Cho dù Phòng Nhân sự có làm việc tốt đến thế nào, họ cũng chỉ là những người làm công ăn lương. Họ có thể giải đáp một số vấn đề chi tiết cho NLĐ nhưng nhiều vấn đề lớn hơn, chỉ có NSDLĐ mới có thể trả lời cho NLĐ. Đó là chưa kể, Phòng Nhân sự có thể làm sai lệch thông tin giữa NSDLĐ và NLĐ, cố tình hoặc vô ý, dẫn tới hiểu lầm. Về phía NLĐ, không bao giờ được đối thoại trực tiếp với ông chủ thực sự lâu dài sẽ khiến họ có cảm giác hoang mang, mất lòng tin, khiến cho việc hiểu lầm rất dễ xảy ra. Vì vậy các DN nên có 1 kênh đối thoại trực tiếp giữa TGĐ với tập thể NLĐ, có thể mỗi tháng 1 lần hoặc thường xuyên hơn.

3. Chỉ trả lời những câu hỏi dễ, lờ đi những câu hỏi khó của NLĐ: Rất nhiều NSDLĐ chỉ đối thoại cho có hoặc coi đó là cách để dò xét khả năng đình công của tập thể NLĐ. Chính vì vậy họ rất ngại trả lời những câu hỏi khó như khi nào tăng lương, vì sao không tăng lương, vì sao phụ cấp thấp hơn công ty bên cạnh v.v. Với các câu hỏi kiểu này, chủ DN hoặc là lờ đi không trả lời, hoặc luôn mồm “công ty làm ăn thua lỗ, không có lợi nhuận”, hoặc ” các anh chị phải đặt mình vào vị trí của chủ DN mà hiểu cho chúng tôi”. Ai cũng biết làm DN vô cùng khó khăn, nhưng câu chuyện giữa NLĐ và NSDLĐ là một mối quan hệ công bằng và sòng phẳng: NSDLĐ cần sức lao động và kĩ năng của NLĐ và NLĐ đã làm hết trách nhiệm của họ. Việc có lãi hay không là do tài trèo chống của NSDLĐ. Nếu làm ăn không giỏi, dẫn đến lỗ, thì NSDLĐ phải chịu, hoặc giải thể DN chứ không thể bắt NLĐ gánh chịu thua lỗ hoặc đòi hỏi NLĐ phải hiểu cho mình. Hơn thế nữa, việc trả lời không có thiện chí như trên sẽ khiến NLĐ chán nản, mất lòng tin và dần dần sẽ không thực lòng muốn đối thoại nữa. Cho dù các câu hỏi trên rất khó trả lời, nhưng NSDLĐ vẫn hoàn toàn có cách giải thích thỏa đáng khiến NLĐ tin tưởng. Trả lời như thế nào, chúng tôi sẽ nói ở phần sau.

Đón đọc ….

Phần 3: Các cấu phần của một hệ thống đối thoại hoàn chỉnh tại doanh nghiệp

Comments are closed.