Phần 1: Phương pháp tiếp cận khi đối thoại với NLĐ
Ngoại trừ các DN chỉ mong muốn làm ăn chụp giật, ngắn hạn, tìm cách bóc lột nhân công hết mức rồi phủi áo ra đi, còn lại NSDLĐ luôn muốn NLĐ yên tâm làm việc, đạt được năng suất và hiệu quả cao, và nhất là gắn kết với doanh nghiệp. Mấu chốt của của việc phát triển và duy trì lực lượng lao động, bên cạnh vấn đề lợi ích (lương, thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc v.v.) một yếu tố đang trở nên ngày càng quan trọng đối với NLĐ đó là mối quan hệ tại nơi làm việc. Theo khảo sát năm 2013 của Anphabe, việc NLĐ có được tôn trọng, được lắng nghe và được giải đáp khiếu nại tại nơi làm việc hay không là yếu tố quan trọng thứ 2 (sau lương) quyết định mức độ hài lòng của họ với công việc.
Để NLĐ cảm thấy được tôn trọng và được lắng nghe, NSDLĐ rất cần tạo ra một văn hóa đối thoại và một môi trường đối thoại thường xuyên, dân chủ và cởi mở. Tuy nhiên tôi đã từng nghe rất nhiều lời phàn nàn của các anh chị cán bộ nhân sự rằng họ đã tìm đủ cách nhưng NLĐ dường như không muốn ‘đối thoại’ với BGĐ và nhân sự khi có việc mà họ chỉ thích nói sau lưng. Vậy làm thế nào để NLĐ có thể đối thoại cởi mở với NSDLĐ? Loạt bài này chúng tôi sẽ chia sẻ từng bước để chúng ta thực hiện tại DN. Tuy nhiên, do mỗi DN có các đặc điểm khác nhau nên việc vận dụng cần linh hoạt.
Đặc điểm NLĐ Việt Nam trong việc đối thoại
Điểm đầu tiên cần ghi nhớ trong đối thoại đó là NLĐ luôn hiểu rằng họ là người làm công ăn lương và họ ở thế yếu hơn so với NSDLĐ. Chính vì vậy họ luôn có tâm lý dè chừng, e ngại. Trong bất kỳ chuyện gì nếu họ cảm thấy không an toàn, họ sẽ lựa chọn im lặng chứ không đối thoại. Tâm lý này càng nặng nề ở Việt Nam khi việc bảo vệ quyền lợi NLĐ còn nhiều khó khăn.
Một đặc điểm khác của NLĐ Việt Nam, bị ảnh hưởng của văn hóa làng xã và văn hóa nông nghiệp, đó là tâm lý né tránh việc phát biểu, thể hiện chính kiến ở các sự kiện chính thức ví dụ như các cuộc họp, hội nghị v.v. Nhưng họ lại đặc biệt có nhiều ý kiến không chính thức theo kiểu thì thầm to nhỏ, bàn ra tán vào. Đặc điểm này rất khác so với NLĐ ở các nước châu Âu nơi mà mọi người nêu ý kiến trong các cuộc họp chính thức và một khi quyết định đã được đưa ra thì mọi người chấp hành và không khích bác, bàn ra tán vào thêm nữa.
Để phù hợp với đặc tính trên của người Việt, hệ thống đối thoại tại các DN cần đảm bảo mấy tiêu chí sau:
- Thứ nhất, luôn kết hợp giữa các kênh đối thoại chính thức (họp BGĐ-BCHCĐCS, Hội nghị NLĐ, Đối thoại định kỳ v.v.) với các kênh phi chính thức (họp nhóm nhỏ, gặp riêng giữa quản lý và một nhóm NLĐ, đường dây nóng, email, đầu mối thông tin để thu thập thông tin các cá nhân NLĐ v.v.)
- Thứ hai, đối với mọi thông tin mà NSDLĐ cần truyền tải cho NLĐ, luôn cho phép các kênh phản hồi cả chính thức và phi chính thức. Nhiều DN thông báo các khoản trích nộp từ lương hay thay đổi giờ ăn trưa bằng cách dán lên bảng thông báo. NLĐ có người đọc, có người không. Họ đọc rồi sẽ có nhiều ý kiến nhưng NSDLĐ không cho họ kênh nào để phản hồi sẽ gây ra bức xúc. Nhiều cuộc đình công đã xảy ra vì lý do này.
- Thứ ba, tìm cách trả lời mọi thắc mắc của NLĐ, bất kể là nhỏ hay lớn. Khi NSDLĐ khuyến khích NLĐ đối thoại nhưng lại bỏ qua các thắc mắc mà NSDLĐ cho là quá nhỏ nhặt của NLĐ, sẽ khiến NLĐ mất lòng tin vào thiện chí đối thoại của NSDLĐ. Dẫn tới khi họ có thắc mắc lớn hơn, họ cũng sẽ không chia sẻ nữa.
Đón đọc…
Phần 2: Các lỗi NSDLĐ thường mắc trong đối thoại với NLĐ tại doanh nghiệp