Đằng sau những con số đình công
Đình công năm 2013 giảm kỷ lục: 351 vụ (theo thống kê của Tổng LĐLĐVN), nghĩa là chỉ bằng gần 1/3 mức kỷ lục của năm 2011 là 978 vụ. Tổng LĐ cho rằng con số này cho thấy QHLĐ đã tốt lên (?). Liệu có phải như vậy không?
Nếu nhìn vào số liệu thống kê, hình như cậu chuyện năm 2013 lặp lại kịch bản của năm 2009 khi mà sau năm 2008 nóng bỏng với lạm phát 2 con số lên tới 26% và đình công vọt lên 762 cuộc thì bỗng hạ nhiệt và giảm đáng ngạc nhiên về 310 cuộc. Tương tự năm 2011 là năm lạm phát rất cao, đình công rất nhiều nhưng ngay sau đó khi lạm phát giảm nhiệt, thậm chí theo nhiều chuyên gia là đã chuyển sang giảm phát, thì đình công lại hạ xuống đáng kể.
Theo nghiên cứu trên thế giới, mức độ đình công cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố: kinh tế, chính trị, năng lực tổ chức và đấu tranh của lực lượng lao động, và chiến lược nhân sự của doanh nghiệp. Nhưng có một yếu tố quan trọng tác động tới quyết định của NLĐ có đình công hay không chính là sự tăng hay giảm của cung-cầu trên thị trường lao động. Khi nền kinh tế ‘nóng’ đồng nghĩa với việc các DN có nhu cầu tuyển dụng cao, NLĐ có được lợi thế trong cuộc mặc cả với NSDLĐ. Do đó, họ sẵn sàng đình công vì họ biết đa phần NSDLĐ sẽ phải nhượng bộ. Kể cả không có sự nhượng bộ, họ dễ dàng tìm được việc làm mới. Ngược lại, khi nền kinh tế giảm phát, các DN khó khăn, nhiều nơi thậm chí sa thải lao động thì đương nhiên NLĐ sẽ hạn chế phương án đình công để bảo toàn việc làm của mình.
Vì vậy, khi chỉ số đình công giảm cùng lúc với sự suy thoái kinh tế thì không nên vội vàng cho rằng điều đó là kết quả của sự đi lên của QHLĐ. Ngược lại, chúng ta nên chuẩn bị cho sự trở lại của đình công một khi nền kinh tế phục hồi. Sự chuẩn bị tốt nhất có lẽ là xây dựng hệ thống đối thoại, giải quyết khiếu nại và phòng ngừa tranh chấp hiệu quả ngay tại doanh nghiệp để giảm thiểu nguy cơ đình công thay vì đợi đến khi đình công nổ ra mới vội vàng tìm cách ‘dập lửa’.