Áp dụng kỷ luật như thế nào để tránh đình công?

On Tháng Ba 14, 2014

Vài ngày nay dư luận rộ lên về vụ đình công tại Công ty Shilla Bags tại Tp. Hồ Chí Minh hôm 13/2/2014 vì một lý do rất ‘Trời ơi” là: công nhân không được đi vệ sinh đầy đủ.

Chuyện là Công ty Shilla Bags mới thay đổi nội quy, trong đó có việc đi vệ sinh. Công nhân được phát thẻ, mỗi chuyền 3 thẻ, để đi vệ sinh. Ai muốn đi thì phải đăng ký, có thẻ và chỉ được đi trong 5 phút. Trong khi đó nhà vệ sinh nữ, theo lời công nhân, là bị hư nhiều. Việc đăng ký nhiêu khê khiến họ không được đi vệ sinh nhiều và “đầy đủ” như mong muốn. Khi đọc thông tin này, rất nhiều dư luận lên án việc thực hiện kỷ luật quá ngặt nghèo, phi nhân tính của Shilla Bags.

Thực ra, câu chuyện kỷ luật lao động trong các DN chế tạo làm việc theo dây chuyền không phải mới mẻ gì. Các cuộc đình công tương tự đã từng xảy ra ở Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc từ những năm 1960, 1970, nghĩa là thời kỳ đầu của công nghiệp hóa. Đây là giai đoạn lớp nông dân trẻ tuổi thiếu việc làm ở khu vực nông thôn tràn về các khu công nghiệp mới mọc lên tại thành phố để kiếm việc. Họ chính là thế hệ công nhân đầu tiên của thời kỳ công nghiệp hóa. Được sinh ra và nuôi dạy trong một môi trường nông nghiệp, làm theo sức của mình, mệt thì nghỉ, chán thì chơi, làm ít ăn ít, làm nhiều ăn nhiều nên thế hệ công nhân đầu tiên này cảm thấy môi trường làm việc trong các nhà xưởng thật là ngột ngạt. Đặc điểm của sản xuất theo dây chuyền là dựa vào sự phối hợp hài hòa, liên tục giữa mọi công đoạn, từ đó tìm cách cắt giảm các động tác thừa của những người thao tác và làm tăng năng suất của cả nhà máy. Muốn như vậy, chấp hành kỷ luật là điều bắt buộc để toàn bộ dây chuyền không bị dồn ứ. Chính vì vậy, các quản lý nhà máy tìm cách khiến cho chu kỳ sinh học của công nhân phù hợp với hoạt động của dây chuyền và giảm thiểu các hoạt động thừa, trong đó đặc biệt là việc đi vệ sinh.

Khi đi phỏng vấn nhiều công nhân ở Việt Nam, tôi rất hiểu câu chuyện đi vệ sinh của họ. Nếu nhà máy tính lương theo sản phẩm, đa phần công nhân không phàn nàn gì về việc đi vệ sinh vì họ hiểu rằng họ làm càng  nhiều, lương càng cao. Vì vậy họ đi vệ sinh rất ít, hoặc tranh thủ đi vào lúc giải lao. Ngược lại, các nhà máy tính lương thời gian, công nhân luôn than phiền về vấn đề này. Thực tế, nhiều em cảm thấy chán hoặc mệt là kiếm cớ đi vệ sinh rồi ngồi trong đó khá lâu. Đương nhiên, chỉ cần vắng mặt 15 phút là đống sản phẩm ở công đoạn của em đó sẽ dồn ứ lên, ảnh hưởng tới cả chuyền. Có em, trong một ca làm việc, xin đi vệ sinh 2-3 lần, mỗi lần 10-15 phút thì đương nhiên năng suất của chuyền đó, xưởng đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cũng xin nói thêm nếu có ai thắc mắc vì sao các DN không áp dụng lương sản phẩm hết đi cho tiện. Xin thưa, tính lương sản phẩm là cách làm không nhân văn và đã bị cấm ở các nước phát triển. Lý do vì lương sản phẩm luôn tạo ra áp lực với NLĐ phải làm tăng ca, trong khi đó NSDLĐ lại dễ dàng lợi dụng cách tính này để ‘né’ việc thực hiện các quy định về thời giờ làm việc, lương tối thiểu, lương trả thêm giờ v.v.

Cách làm của Shilla Bags, thực tế là để NLĐ hạn chế thời gian đi vệ sinh ở mức thực tế và vừa đủ nhưng rõ ràng cách làm của công ty này chưa đúng và quá đột ngột, khiến công nhân phản ứng bằng cách đình công. Kinh nghiệm của nhiều công ty lâu năm đã thực hiện thành công việc áp dụng kỷ luật công nghiệp như Jia Shin, Canon là đào tạo ngay cho công nhân khi vừa được tuyển dụng về cách đi vệ sinh. Lưu ý là các em ở nông thôn ra, đôi khi chưa biết sử dụng toilet bệt, chưa biết dội nước, sử dụng giấy vệ sinh và rửa tay sau khi vệ sinh. Ngoài ra, các em cũng được giải thích về tầm quan trọng của việc đi vệ sinh nhanh trong giờ làm việc và vì sao công ty phải yêu cầu thời gian hạn chế là 5 phút và vì sao phải đăng ký đi vệ sinh trong giờ, cũng như khuyến khích các em sử dụng nhà vệ sinh trong giờ giải lao. Đây là một kĩ năng cơ bản mà các em bé tuổi mẫu giáo ở các nước đã được dạy nhưng với NLĐ thuộc thế hệ thứ nhất ở nước ta, e rằng các công ty vẫn cần và nên dạy lại một cách bài bản để tránh các tranh chấp đáng tiếc như ở Shilla Bags.

Nói một cách khác, đối với mọi khía cạnh trong Quan hệ lao động, nên chăng NSDLĐ nên tránh việc áp đặt một chiều và đột ngột với NLĐ mà nên trải qua quá trình giáo dục, giải thích và thử nghiệm, sau đó mới áp dụng thực tế.

Ts. Đỗ Quỳnh Chi, Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động VietLabour

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *