XU HƯỚNG VIỆC LÀM TRONG KHU VỰC FDI NĂM 2013-2014
Bài phỏng vấn trong Chương trình Chuyên gia của bạn, phát trên kênh VOV1, từ 15h15-15h45 ngày 13/1/2014.
Bấm vào đây để nghe cuộc phỏng vấn
Thưa quý vị và các bạn, kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh đình đốn, giải thể. Thế nhưng, theo nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động khảo sát tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì có một số những nhóm ngành không hề bị ảnh hưởng, thậm chí phát triển rất tốt trong năm 2013 vừa qua. Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động khẳng định: “Làm việc ở những ngành này, người lao động còn có nhiều cơ hội để phát triển các kỹ năng lao động”. Đây cũng chính là nội dung chương trình Chuyên gia của bạn, chuyên đề Tư vấn việc làm hôm nay. Bây giờ, xin mời các biên tập viên bắt đầu chương trình.
BTV Bích Ngọc: Xin cảm ơn bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động đã dành thời gian để tham gia chương trình Chuyên gia của bạn, chuyên đề Tư vấn việc làm hôm nay.
Bà Đỗ Quỳnh Chi: Xin chào Bích Ngọc, xin cảm ơn chương trình đã mời tôi đến tham dự chương trình hôm nay và xin kính chào các bạn nghe đài.
BTV: Xin chào bà Đỗ Quỳnh Chi. Nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động về Nhu cầu Kỹ năng của các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho thấy đa số các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không hề chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn, mà ngược lại, họ còn phát triển rất tốt. Vậy bà có thể nói rõ hơn các doanh nghiệp trên thuộc nhóm ngành nào và vì sao các doanh nghiệp đó lại không bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn trong nước năm qua ạ?
Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi của Bích Ngọc thì tôi cũng xin giới thiệu qua một chút. Khảo sát của chúng tôi là do Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động thực hiện cùng với Tập đoàn Manpower – một tập đoàn về nhân sự của Hoa Kỳ và Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vào năm 2013, và khảo sát này tập trung vào 3 nhóm ngành: hàng hóa tiêu dùng, điện tử, và lắp ráp ô tô, xe máy. Như Bích Ngọc cũng có nói, kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy có tới 52% các doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát cho biết họ đã tăng trưởng khá đáng kể về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2013, và đáng lưu ý là chỉ có 5% trong các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ đã bị thua lỗ trong năm vừa qua. Chúng tôi tổng kết rằng có ít nhất 3 lý sao vì sao các doanh nghiệp FDI lại có một sự tăng trưởng ngoạn mục như vậy trong điều kiện kinh tế của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Lý do thứ nhất là các doanh nghiệp FDI thường có lợi thế rất lớn về vốn, quy mô lao động cũng như công nghệ so với các đối thủ ở trong nước. Và như các anh chị đã biết, trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp trong nước gặp khá nhiều cản trở trong việc tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ để phát triển sản xuất của mình. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI không hề gặp phải những khó khăn này. Nguyên nhân thứ hai là khi các doanh nghiệp trong nước (là đối thủ của các doanh nghiệp FDI trong cùng ngành) gặp khó khăn, thua lỗ, lực lượng lao động rất quý giá của các doanh nghiệp trong nước này vốn đã có kinh nghiệm và được đào tạo bị thu hút sang các doanh nghiệp FDI là đối thủ của chính họ ở Việt Nam. Điều này đã tạo một lợi thế rất to lớn về lao động cho các doanh nghiệp FDI. Lý do thứ ba là trong 1 thị trường như ở Việt Nam, khi mà các doanh nghiệp trong nước đều đang lao đao, khó khăn, thì sự cạnh tranh trong các doanh nghiệp FDI giảm sút, vì thế doanh thu cũng như mức độ bán hàng của họ đều tăng cả.
BTV: Vậy vì sao Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động lại chọn khối 3 nhóm ngành đó mà lại không phải nhóm ngành khác thưa bà?
Trả lời: Lý do thứ nhất là cuộc khảo sát của chúng tôi cũng có những giới hạn về thời gian. Thứ hai, chúng tôi quyết định chọn 3 ngành: hàng hóa tiêu dùng, điện tử và ô tô, xe máy vì đây là 3 ngành đạt được mức độ xuất khẩu khá cao trong những năm vừa qua, có thể được coi là xương sống của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, chúng tôi không chọn các ngành có tiêu chí xuất khẩu cao khác như dệt may, da giầy mà lại chọn 3 ngành này bởi vì đây là 3 ngành có khả năng tạo sự nâng cấp về kỹ năng cho người lao động rất cao, cũng như tiềm năng phát triển về kỹ năng và công nghệ của 3 ngành này trong vòng 5 đến 10 năm tới rất có triển vọng.
BTV: Dạ vâng. Vậy khảo sát của bên bà đã được thực hiện ở bao nhiêu doanh nghiệp trong 3 nhóm ngành này ạ. Và đã được tiến hành trong bao lâu để có kết quả rất khách quan như thế ạ?
Trả lời: Khảo sát của chúng tôi được thực hiện với 100 doanh nghiệp FDI của 3 ngành nói trên ở 10 tỉnh, thành phố, là những nơi có mức độ công nghiệp hóa cao nhất ở cả miền Nam và miền Bắc. Ngoài ra, chúng tôi cũng có tiến hành phỏng vấn sâu tại 5 doanh nghiệp: 3 ở ngoài Bắc và 2 ở trong Nam để tìm hiểu kỹ hơn về tình hình tuyển dụng cũng như đào tạo kỹ năng của họ. Khảo sát này chúng tôi thực hiện trong vòng 6 tháng cuối năm 2013.
BTV: Theo bà dự đoán, 3 nhóm ngành này sẽ vẫn tiếp tục cần tuyển thêm nhiều lao động mới cho năm 2014 đúng không ạ?
Trả lời: Thực ra, ngoài ngành ô tô, xe máy là ngành ít nhiều bị ảnh hưởng do thị trường trong nước giảm sức mua, còn lại ngành hàng hóa tiêu dùng (ví dụ, các ngành sản xuất các đồ như hóa mỹ phẩm, đồ uống, đồ ăn) và ngành điện tử hiện nay đều có kế hoạch mở rộng sản xuất. Theo khảo sát của chúng tôi, có 80% các doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ sẽ đầu tư lớn để mở rộng sản xuất trong năm sau cũng như trong vòng 5 năm tới. Do đó, tôi nghĩ rằng nhu cầu lao động của họ (bao gồm nhu cầu tuyển mới, cũng như nhu cầu thay thế lao động hiện có) sẽ rất cao.
BTV: Vâng, đây là một thông tin rất đáng chú ý thưa quý vị thính giả. Như bà Đỗ Quỳnh Chi vừa thông tin thì trong năm tới sẽ có 3 nhóm ngành – ngành hàng hóa tiêu dùng, ngành sản xuất ô tô và ngành điện tử, tiếp tục cần thêm nhiều lao động mới, đặc biệt là với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thưa bà, theo tìm hiểu của Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động, yêu cầu về kỹ năng, trình độ của các doanh nghiệp đối với người lao động làm việc ở 3 nhóm ngành này là như thế nào ạ? Với các bạn trẻ sắp tốt nghiệp đại học hoặc những bạn đang định hướng cho mình nghề nghiệp, có lẽ đây là thông tin rất cần thiết để các bạn chuẩn bị cho mình một hồ sơ CV đầy đủ hơn khi các bạn xác định sẽ làm việc ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Xin bà thông tin thật rõ nội dung này ạ?
Trả lời: Thực ra, khảo sát của chúng tôi tập trung vào 2 nhóm lao động. Nhóm thứ nhất là nhóm những người lao động trực tiếp, ví dụ công nhân lắp ráp trong những xưởng ô tô, xe máy hay những người lao động làm việc tại xưởng, chuyền ở những doanh nghiệp khác nhau. Nhóm thứ hai là nhóm nhân viên văn phòng và quản lý cấp trung. Đây là 2 nhóm mà chúng tôi tập trung nghiên cứu. Đối với cả 2 nhóm này, tôi có thể chia ra yêu cầu của doanh nghiệp đối với họ gồm có 2 nhóm kỹ năng: thứ nhất là kỹ năng chuyên môn mà chúng ta hay gọi là kỹ năng cứng, và thứ hai là kỹ năng tổng quát mà chúng ta hay gọi là kỹ năng mềm. Ví dụ, yêu cầu về kỹ năng mềm đối với công nhân trực tiếp bao gồm phải biết tuân thủ kỷ luật lao động, đúng giờ, có trách nhiệm với công việc được giao và có ý thức về chất lượng cũng như các kỹ năng làm việc theo nhóm… Còn đối với nhóm thứ 2 – nhân viên văn phòng và quản lý cấp trung, những kỹ năng mềm doanh nghiệp yêu cầu đối với họ là kỹ năng quản lý, kỹ năng tạo động lực cho nhân viên, kỹ năng lập kế hoạch chiến lược, kỹ năng giao tiếp với cấp trên cũng như cấp dưới và đồng nghiệp của mình, kỹ năng ngoại ngữ. Như các anh chị đều biết, về kỹ năng chuyên môn, đối với mỗi vị trí khác nhau sẽ có những yêu cầu về kỹ năng chuyên môn riêng biệt. Ví dụ, nếu anh là công nhân đứng máy thì đương nhiên anh phải biết sử dụng máy đó như thế nào. Nếu anh là quản lý cấp trung thì đương nhiên anh phải biết yêu cầu về chuyên môn đối với ngành của anh là gì. Thế nhưng một điều rất ngạc nhiên là khi chúng tôi khảo sát 100 doanh nghiệp FDI, họ đặt tầm quan trọng của kỹ năng tổng quát (tức là kỹ năng mềm) với kỹ năng cứng ngang nhau. Trước nay, chúng ta cứ nghĩ rằng kỹ năng mềm là một cái gì đó bổ sung thêm thôi, còn kỹ năng cứng mới quan trọng nhất. Nhưng qua tìm hiểu, đặc biệt tại các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí một số doanh nghiệp châu Âu, họ nói rằng đối với họ hiện nay kỹ năng chuyên môn không còn là vấn đề nữa. Nhưng kỹ năng mềm của người lao động mới là điểm quan trọng nhất. Trong vòng lọc hồ sơ, họ sẽ xem xét kỹ năng cứng của người lao động. Sau đó, vào vòng phỏng vấn, họ chỉ tập trung vào kỹ năng mềm. Một số giám đốc nhân sự còn cho chúng tôi biết rằng hai nhóm kỹ năng này có tầm quan trọng ngang nhau khi họ đưa ra một quyết định tuyển dụng.
BTV: Một thông tin rất mới đúng không quý vị thính giả. Đúng như bà Chi vừa nói, từ trước đến nay, chúng ta vẫn coi trọng nhiều hơn các kỹ năng cứng – kỹ năng tay nghề, và thậm chí theo tôi được biết, hầu hết các chuyên ngành đào tạo hiện nay ở Việt Nam, kể cả bậc đại học hay bậc trung cấp, cao đẳng, có lẽ vẫn tập trung rất nhiều vào kỹ năng tay nghề. Dường như với kỹ năng mềm thì hầu hết các bạn trẻ một là đi học thêm ở ngoài, hai là các bạn tự rèn luyện mình qua các hoạt động đoàn đội ở các đơn vị ở địa phương hoặc tại trường. Vậy bà Chi có thể thông tin rõ hơn nữa là với những người trẻ, chẳng hạn với những bạn sinh viên, để làm việc ở những doanh nghiệp nước ngoài, các bạn có thể tự rèn luyện cho mình những kỹ năng mềm nào? Bởi vì có rất nhiều kỹ năng mềm nên cụ thể là những kỹ năng nào, bà có thể chỉ rõ không ạ?
Trả lời: Tôi nghĩ đây là một câu hỏi rất hay và sẽ rất hữu ích cho các bạn sắp sửa ra trường hoặc đang ra trường và đang đi tìm việc làm. Khi chúng tôi phỏng vấn các giám đốc nhân sự của các doanh nghiệp FDI thì thấy rằng họ đánh giá kỹ năng cứng – kỹ năng chuyên môn của người Việt Nam tương đối tốt. Tuy nhiên, kỹ năng mềm hiện nay mức độ thiếu hụt khá nghiêm trọng, và trong đó, chúng tôi chỉ ra thiếu hụt lớn nhất xảy ra. Ví dụ, điều doanh nghiệp phàn nàn nhiều nhất đối với nhóm lao động trực tiếp là người lao động không đúng giờ, không có một cảm giác gì là đi làm hay làm bất cứ việc gì phải đúng giờ. Thứ hai là khả năng tuân thủ kỷ luật còn kém. Thứ ba là tính trách nhiệm trong công việc, và cuối cùng là hiểu biết, nhận thức về chất lượng của công việc mình làm: mình làm như thế đã đạt chất lượng hay chưa – kỹ năng này người Việt Nam mình vẫn còn yếu. Với nhóm thứ hai là nhân viên văn phòng và quản lý cấp trung, kỹ năng còn yếu nhất hiện nay là kỹ năng giao tiếp. Giao tiếp ở đây các bạn đừng hiểu đơn giản là giao tiếp hàng ngày mà đó là giao tiếp với tất cả (giao tiếp với những người bạn quản lý, giao tiếp với cấp dưới của bạn, giao tiếp với ban chuyên môn khác, giao tiếp với cấp trên). Ví dụ, trường hợp giao tiếp với cấp dưới lại được phân ra thành giao tiếp với những nhân viên văn phòng và giao tiếp với những người lao động trực tiếp. Kỹ năng giao tiếp tương đối ở bậc cao như vậy. Tiếp theo là kỹ năng quản lý (Kỹ năng quản lý của anh như thế nào để tạo động lực cho người lao động). Và cuối cùng trình độ ngoại ngữ – kỹ năng này rất quan trọng. Tất cả các doanh nghiệp FDI đều yêu cầu phải có ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Vì vậy, đối với những bạn đang mong muốn làm việc trong khu vực FDI thì lời khuyên của chúng tôi qua khảo sát này là các bạn hãy tìm mọi cách để trau dồi kỹ năng mềm của các bạn. Có thể bằng cách các bạn xin đi làm thực tập không lương ở các doanh nghiệp FDI và tìm cách quan sát các kỹ năng mềm mà họ yêu cầu như thế nào. Ngoài ra, các bạn có thể tìm hiểu thêm các thông tin trên mạng, sách vở hoặc những người đi trước, những người đã từng làm cho các doanh nghiệp FDI để có thể trau dồi kỹ năng mềm của mình.
BTV: Dạ vâng. Tôi hy vọng qua câu trả lời rất cụ thể và chi tiết của bà Chi vừa rồi, các bạn trẻ đã có thêm nhiều thông tin hữu ích cho mình để có thể ngay từ bây giờ chuẩn bị cho mình những kỹ năng mềm thật cần thiết khi các bạn đã xác định sẽ làm việc ở một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chúng tôi nhận được câu hỏi của bạn Nguyễn Văn Hùng ở Nam Định: “Em học trường cao đẳng nghề, khoa cơ khí. Em muốn hỏi là muốn tìm việc thì tìm ở công ty nào?” Bạn Hùng vui lòng liên hệ Cổng thông tin Việc làm Thanh niên Việt Nam mywork.vn, có thể qua số điện thoại 0462939998 hoặc truy cập website mywork.vn. Tại đây, bạn sẽ được các chuyên viên của chúng tôi tư vấn rất cụ thể về cơ hội việc làm ở doanh nghiệp phù hợp với nghề bạn đang theo học. Nếu hiện nay chưa có doanh nghiệp nào phù hợp thì bạn có thể làm hồ sơ và khi cần thiết chúng tôi sẽ liên hệ lại với bạn. Bạn thính giả nữa là bạn Đoàn Thị Thơm ở Hưng Yên. Bạn Thơm có câu hỏi là tìm việc ở doanh nghiệp nước ngoài thời điểm này có khó không và yêu cầu làm việc của công ty là gì. Đối với câu hỏi này, có lẽ bà Chi vừa trả lời rất chi tiết đúng không ạ? Bạn Thơm hãy xác định cho mình là làm việc ở vị trí nào ở doanh nghiệp nước ngoài. Mỗi vị trí đều có yêu cầu kỹ năng rất cụ thể như bà Chi vừa thông tin. Từ đó, bạn có thể so sánh với mình để xem bản thân đã đáp ứng được các yêu cầu hiện tại đó hay chưa, và với kỹ năng nào bạn cảm thấy mình còn yếu thì có thể ngay lúc này bạn đi học hoặc bổ sung kịp thời để thực hiện yêu cầu và mong muốn của bạn là làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài. Tôi xin được tiếp tục trao đổi với bà Đỗ Quỳnh Chi. Như bà vừa phân tích, doanh nghiệp nước ngoài rất mong muốn người lao động của mình có những kỹ năng mềm như thế này, có những kỹ năng tay nghề như thế kia ở từng mức độ, cấp bậc khác nhau. Vậy theo khảo sát của bà, các doanh nghiệp nước ngoài có hài lòng với trình độ kỹ năng, tay nghề của lao động Việt Nam hiện nay hay không? Họ hài lòng và vì sao? Không hài lòng ở điểm gì? Bà có thể cho biết cụ thể không ạ?
Trả lời: Có một điểm rất đáng mừng. Vào năm 2011, chúng tôi cũng có khảo sát tương tự với hơn 1000 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp FDI. Khi so sánh với năm 2013, chúng tôi nhận thấy sự hài lòng của các doanh nghiệp FDI với tay nghề của người lao động Việt Nam tăng lên. Cụ thể, 66% các doanh nghiệp FDI đánh giá tay nghề của lao động Việt Nam ở trình độ khá. Tuy nhiên, có một điểm chúng tôi cũng chưa hài lòng lắm. Đó là mặc dù tay nghề của nhân công Việt được đánh giá ở trình độ khá nhưng mức độ thiếu hụt kỹ năng (ở đây là cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm) vẫn còn khá cao. Như tôi vừa chia sẻ, thiếu hụt lớn nhất là ở kỹ năng mềm. Thiếu hụt kỹ năng mềm ở nhóm thứ nhất và thiếu hụt về kỹ năng cứng ở nhóm lao động thứ hai đã được cải thiện khá nhiều.
BTV: Dạ vâng. Một thông tin rất đáng mừng đúng không ạ? Như bà thông tin ở phần đầu chương trình, tại 3 nhóm ngành: hàng hóa tiêu dùng, điện tử và sản xuất ô tô, người lao động có nhiều cơ hội để phát triển những kỹ năng lao động. Vậy bà có thể nói rõ hơn là họ có cơ hội phát triển như thế nào và cụ thể những kỹ năng lao động gì ạ?
Trả lời: Về điểm này có lẽ tôi cũng nói lại một chút. Các bạn đi làm cho các doanh nghiệp thường nghĩ rằng kỹ năng của mình có đây và mình dùng các kỹ năng đó để phục vụ cho doanh nghiệp giống như ở trên thị trường lao động có sự cung và cầu kỹ năng và sức lao động. Nhưng tôi xin lưu ý một điểm. Điểm này có thể ảnh hưởng đến quyết định đi làm của các bạn. Đó là khi các bạn làm việc cho các doanh nghiệp FDI có mong muốn làm việc và đầu tư lâu dài ở Việt Nam, họ có rất nhiều chương trình để mở rộng và đào tạo những kỹ năng mới cho người lao động của mình. Bởi vì sao? Bản thân các bạn khi mới ra trường, cái kỹ năng các bạn có có lẽ chỉ đáp ứng được khoảng 50% yêu cầu công việc mà thôi. Để các bạn có thể làm việc được cho các doanh nghiệp, và không chỉ làm việc được mà còn làm việc tốt, năng suất cao và thích ứng được những thay đổi hàng ngày ở doanh nghiệp đó thì bao giờ các doanh nghiệp cũng có các chương trình đào tạo và bổ sung kỹ năng cho các bạn. Qua khảo sát của chúng tôi, chúng tôi thấy rằng, đại đa số các doanh nghiệp lớn đều có chương trình đào tạo này và đó là các chương trình rất đa dạng. Trước hết, khi các bạn mới vào, họ sẽ giảng dạy cho các bạn về các kỹ năng mềm cần thiết, ví dụ văn hóa công ty như thế nào, vấn đề kỷ luật, nội quy như thế nào, tuân thủ các yêu cầu ở trong nhóm như thế nào, làm việc theo nhóm ra sao. Sau đó, khi các bạn vào làm việc trong các dây chuyền, hoặc vào làm việc trong các phòng ban thì các bạn tiếp tục sẽ được đào tạo hàng ngày ngay tại nơi làm việc. Ngoài ra, đối với nhóm thứ 2 – nhóm nhân viên văn phòng và những người có thể lên làm quản lý, các bạn sẽ được tham dự rất nhiều khóa đào tạo về kỹ năng (kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp) và đào tạo ngoại ngữ (tiếng Nhật, tiếng Hàn, hay tiếng Anh) để đảm bảo các bạn có khả năng đảm nhiệm những vị trí cao hơn. Như vậy, các bạn có thể thấy rằng khi chúng ta vào làm tại các doanh nghiệp FDI, ngoài vấn đề tiền lương, thưởng và các chế độ khác của doanh nghiệp thì chúng ta còn được hưởng một lợi ích rất lớn – đó là các chương trình đào tạo kỹ năng, mở rộng kỹ năng cho lao động của các doanh nghiệp này. Vì vậy, khi các bạn tìm việc, ngoài vấn đề lương thưởng, tôi nghĩ rằng các bạn nên tìm hiểu các vấn đề khác như khả năng được đào tạo, khả năng được nâng cao chuyên môn của mình nữa.
BTV: Thưa bà Chi và thưa quý vị thính giả, theo số liệu Tổng cục thống kê vừa công bố dựa trên Điều tra lao động về tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thì tỷ lệ sinh viên đại học sau tốt nghiệp thất nghiệp ngày càng cao. Ví dụ nếu năm 2010, người có trình độ đại học ở độ tuổi từ 21 đến 29 thất nghiệp chỉ chưa đầy 60 nghìn người, tức là 6,84% thì đến năm 2013, số người thất nghiệp có trình độ đại học ở độ tuổi dưới 30 đã tăng lên thành 101 nghìn người, tức là đã tăng gấp rưỡi. Riêng quý 3 năm vừa qua, tỷ lệ còn tăng lên đến mức 11,75%, tức là gần gấp đôi. Vậy làm công tác nghiên cứu, tư vấn và đào tạo về quan hệ lao động, di cư lao động và thị trường lao động đã 15 năm nay, theo ý kiến của bà Chi, ngoài lý do khách quan là kinh tế khó khăn thì còn lý do nào khiến tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên đại học đến thời điểm này ngày càng tăng?
Trả lời: Thực ra không phải lúc kinh tế khó khăn thì tỷ lệ thất nghiệp mới cao, mà trước đây vào thời điểm 2006-2007, khi chúng tôi đi nghiên cứu ở một doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp này đã có hơn 1000 công nhân trực tiếp có bằng đại học. Đây là một điều rất đáng buồn. Qua nghiên cứu nhiều năm chúng tôi thấy rằng có một số lý do khiến các bạn sinh viên đại học lại bị thất nghiệp. Thứ nhất, đó là lỗi của hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam chưa kịp thời cập nhật những sự thay đổi trong thực tế. Các bạn biết rằng để duy trì khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp hiện nay thay đổi hàng ngày về công nghệ, cách quản lý cho đến mọi thứ. Trong khi đó, chương trình học tại các trường dạy nghề có khi cả chục năm vẫn chưa thay đổi nhiều. Điều đó làm cho một bạn sinh viên mới ra trường hoặc mới tốt nghiệp một trường nghề có khi phải mất 6 tháng đến 1 năm mới có thể bắt đầu làm việc được tại các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nhìn vào chi phí họ phải bỏ ra đào tạo cho một sinh viên từ 6 tháng đến 1 năm, họ đã thấy rất ngại rồi. Thứ hai, như tôi vừa nói, kỹ năng mềm của các bạn rất yếu. Có thể kỹ năng chuyên môn của các bạn rất tốt (ví dụ, hiểu biết về vấn đề kinh doanh, hiểu biết về kế toán,…), thế nhưng khi các bạn bắt tay vào làm một công việc, các bạn không hiểu về kỹ năng mềm. Ví dụ làm thế nào có thể hợp tác với mọi người ở trong cùng một nhóm, giao tiếp như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất trong công việc, hay đơn giản như các bạn phải đến đúng giờ. Khi một cuộc họp bắt đầu, các bạn phải đến sớm ít nhất 5 đến 10 phút. Những điều này rất đơn giản nhưng các bạn sinh viên của chúng ta thường không biết. Ngoài ra, nhà tuyển dụng phàn nàn rất nhiều những vấn đề như khi giao việc cho các bạn sinh viên mới ra trường thì các bạn ấy không muốn làm, đặc biệt là những việc các bạn thấy không xứng tầm với các bạn. Ví dụ, 1 kỹ sư mới ra trường học Bách Khoa chẳng hạn, khi dưới xưởng có vấn đề về máy móc cần bạn ấy xuống cùng nhân viên sửa máy thì bạn ấy nói: “Đây không phải là việc của chúng tôi. Chúng tôi chỉ thiết kế máy móc ở trên máy tính thôi, còn việc sửa máy không phải việc của chúng tôi”. Điều đó ngay lập tức sẽ khiến các ông chủ nước ngoài cảm thấy rất xa lạ bởi vì một giám đốc nhân sự của Nhật Bản đã nói với chúng tôi: “Ở Nhật Bản, chúng tôi coi việc một kỹ sư biết làm một việc nhỏ nhất (sửa máy) cho đến việc cao nhất (thiết kế ở trên máy) là một niềm tự hào. Tôi có thể làm được mọi việc mà công nhân của chúng tôi làm. Tôi rất ngạc nhiên vì sao kỹ sư của Việt Nam lại cảm thấy xấu hổ hoặc ngại ngùng khi phải xắn tay áo làm cùng công nhân của mình”. Họ đánh giá điều này là một trong những điều cơ bản để quyết định người nhân viên đó có đáng được thăng chức hay không, có đáng được duy trì tại doanh nghiệp đó hay không. Đó chính là kỹ năng mềm. Một điểm nữa là quan điểm lựa chọn việc làm của các sinh viên đại học của chúng ta cũng có chút vấn đề. Đó là đôi khi các bạn lựa chọn việc làm dựa vào lương. Nơi nào trả lương cao thì các bạn xin vào. Nhưng các bạn không để ý những vấn đề khác. Ví dụ, ở các doanh nghiệp trả lương không cao lắm nhưng cơ hội học hỏi, cơ hội thăng tiến, cơ hội phát triển họ cung cấp cho người lao động lại rất tốt. Có bạn thích làm ở doanh nghiệp lớn, không thích vào doanh nghiệp nhỏ. Nhưng vào doanh nghiệp lớn, các bạn phải mất 3-4 năm mới chứng tỏ được mình, trong khi ở doanh nghiệp nhỏ, chỉ mất khoảng 1 năm, các bạn đã được làm những việc quan trọng, các bạn đã có thể chứng tỏ được mình rồi. Có mấy ý như vậy, tôi hy vọng có thể sẽ hữu ích cho các bạn sinh viên mới tốt nghiệp.
BTV: Vâng. Chúng tôi vừa nhận được điện thoại của một bạn thính giả tên là Thành ở Hải Dương. Bạn cho biết bạn học ở trường cao đẳng Hàng hải và muốn nhờ chương trình giới thiệu việc làm. Như tôi đã giới thiệu ở phần đầu chương trình, các bạn đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm vui lòng gọi điện về Tổng đài với số điện thoại là 0462939998. Chúng tôi xin nhắc lại số điện thoại một lần nữa 0462939998. Còn với câu hỏi của chị thính giả tên là Huyền ở Hải Phòng có số điện thoại 0948297899, thính giả này cho biết chị có con đã học đại học ngành Quản trị kinh doanh, và như chị nhận thấy con mình tìm việc và thi tuyển ở các doanh nghiệp trong nước rất khó, và chị muốn hỏi hiện nay có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tuyển những lao động ở chuyên ngành Quản trị kinh doanh như con chị hay không?
Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi của chị Huyền thì đối với các bạn gọi điện về chương trình để nhờ giới thiệu việc làm, tôi có một lời khuyên như sau: nếu như các bạn quan tâm đến một doanh nghiệp cụ thể nào đó, các bạn hãy tìm hiểu thật kỹ, và nếu các bạn thấy công việc đó phù hợp với mình và rất mong muốn được làm ở doanh nghiệp đó thì kể cả khi doanh nghiệp đó chưa có nhu cầu tuyển dụng, tôi khuyên các bạn cứ nộp đơn và trong đơn của các bạn hãy ghi rõ những gì mình hiểu biết về công ty đó và thể hiện rõ mong muốn của mình được làm việc cho doanh nghiệp đó. Tất cả những nhà tuyển dụng đều rất thích những người lao động thực sự có tâm huyết với doanh nghiệp mình, không nhất thiết phải chuyên môn cực giỏi, không nhất thiết phải kỹ năng cực siêu. Những người lao động có tâm huyết là những người doanh nghiệp quý trọng nhất. Còn với câu hỏi của chị Huyền thì thực sự ngành Quản trị kinh doanh những năm qua có rất nhiều sinh viên ra trường. Chính vì thế, nhiều bạn tốt nghiệp Quản trị kinh doanh gặp khó khăn trong việc tìm việc trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, không nhất thiết các bạn cứ phải làm đúng ngành, đúng nghề mình đã học ở trường đại học, mà các bạn hãy vận dụng những kỹ năng các bạn có được trong thời gian đi học của mình. Ví dụ, theo tôi biết, người học Quản trị kinh doanh có hiểu biết cơ bản về kinh tế và tương đối khá về tiếng Anh so với các ngành nghề khác. Vậy thì các bạn có thể lựa chọn một số việc khác có thể không liên quan trực tiếp đến quản trị kinh doanh ở các doanh nghiệp FDI. Như tôi biết, ở các doanh nghiệp FDI cần tìm những nhân viên văn phòng có trình độ tiếng Anh khá, họ không nhất thiết tuyển đúng ngành đúng nghề. Sau khi vào làm, nếu các bạn đã chứng tỏ được năng lực của mình thì các bạn hoàn toàn vẫn có thể có cơ hội như những người khác.
BTV: Vì thời lượng dành cho chương trình không còn nhiều nữa nên xin được dành câu hỏi cuối cùng cho bà Chi: Theo bà dự báo, trong năm 2014, nhóm lao động ở trình độ nào sẽ dễ dàng tìm được việc làm hơn?
Trả lời: Đối với năm 2014, tôi cho rằng nhu cầu lao động cũng không khác nhiều so với năm 2013. Tuy nhiên, do thị trường Mỹ hiện nay tương đối ấm lên, nên tôi nghĩ ngành nào thiên về xuất khẩu, đặc biệt những ngành chế tạo ở Việt Nam như hàng hóa tiêu dùng, điện tử, dệt may, da giầy, sẽ là ngành hưởng lợi. Tuy nhiên, theo tôi, đối với những bạn còn trẻ và đang có kế hoạch cho tương lai của mình, có lẽ các bạn nên nghĩ đến xu hướng của thị trường trong vòng 5 năm tới. 5 năm tới, nhu cầu lao động có kỹ năng nghề trong những ngành chế tạo và có định hướng xuất khẩu như cơ khí, lắp ráp ô tô, xe máy hay điện tử sẽ tiếp tục tăng và tăng rất ổn định. Theo tôi được biết, các doanh nghiệp chúng tôi đến khảo sát đều cho biết họ sẽ đầu tư rất lớn để mở rộng sản xuất. Và khi đầu tư như vậy, họ muốn tăng chất lượng công nghệ của dây chuyền sản xuất của họ. Điều đó có nghĩa là nếu anh chỉ là lao động giản đơn thôi thì cơ hội của anh sẽ giảm sút. Trong khi đó, nếu anh là lao động có tay nghề, có kỹ năng tốt thì anh sẽ là lực lượng lao động mà các doanh nghiệp FDI rất cần trong vòng 5 năm tới. Đối với những bạn có năng khiếu về nghề, tôi nghĩ các bạn nên dũng cảm lựa chọn cho mình một ngành nghề nào đó và học đào tạo nghề. Nếu như các bạn đi học ngành hiện nay đang rất nóng, trường đại học đang rất nóng thì cạnh tranh sẽ rất cao, cơ hội không nhiều. Hơn nữa, sở trường nghề của các bạn rất tốt lại không được phát huy thì tôi nghĩ đó là điều rất đáng tiếc. Vì vậy, ai đã có dự định làm nghề thì tôi khuyến khích nên chọn những ngành về đào tạo nghề sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tương lai.
BTV: Dù các bạn quyết định làm cho doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp trong nước thì các bạn cũng đừng quên bổ sung cho mình những kỹ năng mềm. Những kỹ năng đó rất cần thiết . Như bà Chi đã chia sẻ, cơ hội việc làm của bạn khi so sánh kỹ năng nghề và kỹ năng mềm là tương đương nhau.
Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động đã tham gia chương trình hôm nay và xin cảm ơn quý vị thính giả đã nghe chương trình.
Bà Đỗ Quỳnh Chi: Xin cảm ơn Bích Ngọc và xin chân thành cảm ơn chương trình.
Quý vị và các bạn vừa nghe chương trình Chuyên gia của bạn, chuyên đề Tư vấn việc làm. Chương trình hôm nay do biên tập viên Bích Ngọc thực hiện.